Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS có trên 600.000 người, chủ yếu là các dân tộc anh em Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú sống tập trung ở 11 huyện miền núi.
Quốc lộ 15 được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện miền núi phát triển kinh tế – xã hội.
Xác định phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua Đảng, Nhà nước, tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách dân tộc đối với đồng bào khu vực này. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào. Đặc biệt là triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó đến nay, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hằng năm luôn ổn định từ 130.000 ha - 140.000 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 360.000 - 370.000 tấn. Đã hình thành một số vùng cây nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến. Chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại; cây lâm nghiệp phát triển toàn diện cả về trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ có bước phát triển khá. Các huyện miền núi đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy may công nghiệp, nhà máy chế biến gỗ, sắn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020” thì sự quyết tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS trong tỉnh được cụ thể hơn, với nhiều chương trình, dự án thiết thực hơn mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi. Minh chứng rõ nét, đến nay tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 92%; tỷ lệ hộ dân được dùng điện lưới quốc gia đạt 99,8%; hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 81,1%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 88,6%... Các tiêu chí hưởng thụ văn hóa, chăm sóc y tế đều có bước phát triển tốt, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động mỗi năm. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt 8,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2,3%/năm. Việc triển khai các chính sách dân tộc thông qua các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi rõ rệt cuộc sống người dân, góp phần đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, giữ vững quốc phòng - an ninh...
Tuy nhiên, vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất tỉnh, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 2 lần so với bình quân chung cả tỉnh, trước thực tế trên, ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021–2025. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc; đưa vùng dân tộc miền núi sớm đạt trình độ phát triển chung của cả tỉnh... Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,67%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%/năm trở lên...