Phát triển làng nghề gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm

Với lợi thế có khá nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm, sơn mài, đan lát, chạm khắc... Bình Dương có tiềm năng để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân, cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị

Nhiều nghề dần mai một

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 47 loại ngành nghề nông thôn, phân làm 7 nhóm. Các làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát… không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Hiện các làng nghề truyền thống vẫn còn đang hoạt động và duy trì được hiệu quả ở Bình Dương là sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh, điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh, Phú Thọ, heo đất Lái Thiêu…

Các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển theo cơ chế thị trường, nhiều làng nghề không bắt kịp, dần mất thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì đam mê, làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do thu nhập không cao, không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.

Với làng nghề sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp, một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của Thủ Dầu Một, là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa vùng phía Bắc kết hợp với thổ nhưỡng, nguyên liệu, lực lượng lao động cần cù sáng tạo ở miền Nam tạo lập nên những sản phẩm mang nét đặc trưng, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển thành các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp độc đáo được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Với những giá trị văn hóa quan trọng của làng nghề thủ công này, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề có gần 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động, hiện chỉ còn vài chục cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương. Cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài.

Ngoài ra, do tác động của thị trường, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, việc quy hoạch đô thị, mở rộng các khu công nghiệp… nên các làng nghề truyền thống ở Bình Dương đang có chiều hướng bị thu hẹp sản xuất. Đơn cử như làng nghề truyền thống mây tre đan ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, vào thời hưng thịnh có hơn 50 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10 hộ. Trên địa bàn TP.Thuận An do phải thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị và triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương về việc di chuyển các ngành nghề ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nghề truyền thống gốm sứ, heo đất cũng thu hẹp dần…

Bên cạnh đó, sản xuất làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Từ đó việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp so với các mặt hàng công nghiệp.

Phát huy tiềm năng vốn có

Những năm qua, các nghề, làng nghề luôn được tỉnh quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn. Nhằm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển giao cho các sở, ngành, địa phương triển khai. Mới đây, tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt một năm 2021. Trong số 36 sản phẩm dự thi được hội đồng đánh giá có 28 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Bình Dương đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân; phấn đấu mục tiêu 100% số xã trong tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Cùng với các hoạt động trên là việc tập trung phát triển làng nghề gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng để phục vụ hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại. Mặt khác, khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống; kết hợp phát triển làng nghề với du lịch; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, nâng cao trình độ tay nghề cho thợ trẻ, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững. Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trong các làng nghề, khuyến khích hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất nhằm tìm kiếm thị trường, thiết kế mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đặng Như Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Để có thể bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống; tăng cường công tác đào tạo nghề; hỗ trợ tín dụng, đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, thông qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đầu tư, khuyến khích phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dần dần áp dụng các công nghệ mới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-lang-nghe-gan-voi-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-a260888.html