Phát triển làng nghề, tạo sinh kế cho người dân

Với sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành, nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được gìn giữ và ngày càng phát triển.

Huyện Phú Bình hiện có 9 làng nghề đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho trên 340 hộ dân và tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng.

Huyện Phú Bình hiện có 9 làng nghề đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho trên 340 hộ dân và tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng.

Năm 2014, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè truyền thống, với tổng diện tích chè sản xuất 30ha. Năm 2019, Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2 được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là Làng nghề chè Việt Nam tiêu biểu.

Hiện nay, Làng nghề có 15ha/30ha chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 7ha được đăng ký mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, Làng nghề đã và đang khai thác hiệu quả kinh tế từ sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm.

Chia sẻ về kết quả này, chị Tống Thị Xuyến, Trưởng Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2, cho biết: Các hộ thành viên Làng nghề đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương. Ngoài các lớp tập huấn kiến thức về kỹ thuật thâm canh cây chè, sản xuất chè theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ…, các hộ còn được hỗ trợ trên 600 triệu đồng kinh phí mua thiết bị chế biến. Qua đó, giúp bà con nâng cao tay nghề, tăng chất lượng và giá thành sản phẩm. Hiện nay, Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2 đang tạo việc làm cho trên 100 hộ dân, với thu nhập bình quân đạt 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống. Giai đoạn 2018-2023, tỉnh đã phân bổ 12 tỷ đồng để tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn cho lao động nông thôn về truyền nghề, phát triển nghề, thương mại, hỗ trợ xây dựng cổng làng nghề…

Giai đoạn 2020-2023, Thái Nguyên hỗ trợ 12 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là hỗ trợ thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao kiến thức cho các hộ thành viên làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch; xây dựng sản phẩm OCOP…

Qua đó, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các hộ dân làng nghề, làng nghề truyền thống đã liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và xây dựng thành công sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu...

Thành viên Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) hỗ trợ các hộ gia đình thu hái chè khi vào vụ.

Thành viên Làng nghề chè truyền thống xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh (Phú Lương) hỗ trợ các hộ gia đình thu hái chè khi vào vụ.

Theo ông Dương Xuân Trường, Giám đốc HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành (Phú Bình): Nghề chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa xuất hiện tại địa phương từ khoảng năm 1990, tập trung ở các xóm Phẩm 1, Phẩm 2, Phẩm 3, Phẩm 4. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm đã ra đời năm 2013, với 45 thành viên. Tiếp sau đó, Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa xóm Phẩm được công nhận năm 2014. Từ đó, hoạt động sản xuất của các hộ trong làng nghề cũng như HTX dần được chuyên nghiệp hóa, có tính liên kết hơn.

Năm 2020, HTX chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm đã tạo dựng thành công sản phẩm Cao ngựa bạch Trường Nguyên đạt OCOP 4 sao. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ chăn nuôi ngựa bạch của Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa xóm Phẩm đạt khoảng 3-4 tỷ đồng, thu nhập của các hộ thành viên đạt 130-150 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện tích cực, nhiều hộ dân trong làng nghề đã giàu lên nhờ chăn nuôi ngựa bạch.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 272 làng nghề đã được công nhận, gồm các ngành nghề: sinh vật cảnh; dệt mành cọ; đồ mộc mỹ nghệ; sản xuất bún, bánh, miến, đậu phụ, bánh chưng, tương nếp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa… Trong các làng nghề, làng nghề truyền thống cũng đã hình thành 107 HTX và 99 tổ hợp tác hoạt động sản xuất - kinh doanh. Qua đó góp phần tạo việc làm thường xuyên cho trên 42.000 người lao động, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Để các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, góp phần đa dạng hóa ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Lương Văn Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh, cho biết: Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối đưa các chính sách, chương trình hỗ trợ, hoạt động hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ đến với các làng nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với đó là khuyến khích, tạo động lực để các hộ thành viên làng nghề, làng nghề truyền thống liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202310/phat-trien-lang-nghetao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-29c437e/