Phát triển lúa nếp đặc sản

Việc phát triển giống lúa nếp đặc sản tạo vùng sản xuất hàng hóa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần bảo tồn các gen quý các giống lúa đặc sản đang được ngành nông nghiệp quan tâm.

Mô hình chuyên canh lúa nếp Cay Nọi xã Quang Chiểu (Mường Lát) cho năng suất, chất lượng cao.

Thạch Thành là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng nông nghiệp. Trong đó, lúa nếp cái hạt cau là giống cổ truyền được gieo trồng ở nhiều xã trên địa bàn. Giống nếp này khi chín, vỏ hạt màu cau khô, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục, cho cơm dẻo với hương thơm đặc trưng. Trước thực trạng nguồn giống lúa quý bị thoái hóa, có nguy cơ cao bị mất nguồn gen nên Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp với huyện Thạch Thành thực hiện phục tráng giống lúa nếp hạt cau gieo cấy tại xã Thạch Bình và Thạch Đồng. Sau nhiều năm triển khai các biện pháp khoa học thực hiện phục tráng, đã thu được giống lúa hạt cau nguyên chủng.

Đến nay, huyện Thạch Thành đã phát triển được 145,4 ha lúa nếp hạt cau với năng suất đạt 55 tạ/ha. Nhiều nhất là xã Thạch Đồng 81 ha và xã Thạch Bình 64,4 ha. Phần lớn sản phẩm nếp hạt cau được người dân, HTX ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn như Mường Thanh, Dạ Lan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lan Hương... giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy tiềm năng của lúa nếp hạt cau, HTX Dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Đồng, xã Thạch Đồng đang tích cực mở rộng diện tích và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gạo nếp hạt cau Phú Quý. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, các thủ tục có liên quan để phấn đấu xây dựng sản phẩm gạo nếp hạt cau Phú Quý thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.

Tại các huyện biên giới Mường Lát và Quan Sơn đã tập trung phát triển hơn 600 ha diện tích lúa nếp Cay Nọi. Nhờ các HTX dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương tích cực hướng dẫn người dân gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nên lúa sạch, ít sâu bệnh, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, năng suất lúa nếp Cay Nọi đạt khoảng 46 đến 47 tạ/ha. Hiện sản phẩm lúa nếp Cay Nọi ở xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh - là sản phẩm OCOP đầu tiêu của huyện Mường Lát.

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, khuyến khích người dân không bỏ ruộng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai mở rộng diện tích lúa nếp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như các mô hình sản xuất gạo đặc sản trên nền hữu cơ với giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp Cay Nọi, nếp hương, lúa nếp N97, N98, nếp Liên Hoa, lúa Nhật J02 và các loại nếp khác. Đây là những giống lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao được các hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh phân phối. Đến nay, trên địa bàn tỉnh phát triển các sản phẩm lúa nếp đặc sản mang giá trị cao với diện tích khoảng 5.000 ha. Trong đó, lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng hơn 800 ha, nếp Cay Nọi hơn 600 ha, nếp hương hơn 400 ha và khoảng 3.000 ha lúa nếp N97, N98, nếp Liên Hoa...

Để mở rộng và phát triển diện tích lúa nếp đặc sản, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thường kém hiệu quả sang trồng các loại giống nếp đặc sản, nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị có liên quan của tỉnh, địa phương trong tỉnh đầu tư tuyển chọn, khôi phục, khảo nghiệm các giống nếp mới phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng từng vùng miền. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-lua-nep-dac-san/178257.htm