Phát triển mạnh sản phẩm OCOP để giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Là một trong những địa phương đi đầu trong Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) ở Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức đang sở hữu 33 sản phẩm đạt chuẩn. Chương trình được lan tỏa đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến giảm nghèo bền vững.
HTX sở hữu 8 sản phẩm OCOP
HTX Nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) thành lập năm 2011, nơi đây được biết đến là cơ sở đầu tiên trồng nấm linh chi có quy mô lớn tại Quảng Ngãi.
Sản phẩm nấm linh chi được sản xuất với phương pháp hiện đại, đạt chuẩn 3 không: Không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất bảo quản.
Ngoài nấm linh chi, HTX còn trồng nấm bào ngư và đẩy mạnh chế biến nhiều loại sản phẩm từ nấm. Trải qua nhiều năm sản xuất, kinh doanh, HTX nấm Đức Nhuận đang sở hữu 10 dòng sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt OCOP gồm: nấm linh chi là sản phẩm OCOP 4 sao; 7 sản phẩm OCOP 3 sao cũng được là nấm hoặc làm từ nấm như: nấm bào ngư, bột nêm từ nấm bào ngư, khô sợi bào ngư, rượu linh chi, trà linh chi hạt sen…
Theo Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong, khi được công nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. “HTX liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Các dòng sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận khá tốt” - ông Phong nói.
Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, HTX nấm Đức Nhuận đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 10 - 15 triệu đồng/người/ tháng.
Nâng tầm sản phẩm nghề truyền thống
Với mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống do cha ông để lại, cuối năm 2021, vợ chồng bà Phạm Thị Thúy Vân và ông Dương Văn Dũng (xã Đức Lợi) mạnh dạn khởi nghiệp với thương hiệu nước mắm “Ông Ba Ớt”.
Sản phẩm nước mắm Ông Ba Ớt được làm theo phương pháp ủ chượp thủ công truyền thống, tức là ủ cá và muối trong các thùng gỗ với thời gian từ 15 tháng trở lên. Sau thời gian lên men hoàn toàn tự nhiên, những giọt nước mắm đầu tiên ra đời có màu đỏ cánh gián, màu vàng rơm, có mùi thơm dịu nhẹ rất riêng.
Cơ sở sản xuất nước mắm Ông Ba Ớt tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tươi ngon từ tự nhiên và nguồn lao động sẵn có tại địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân vùng quê, và là cơ sở để gìn giữ và phát triển làng nghề nước mắm Đức Lợi.
“Để quảng bá và khẳng định giá trị của sản phẩm từ làng nghề nước mắm Đức Lợi, tôi quyết định đăng ký tham gia chương trình sản phẩm OCOP của địa phương. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao và tin tưởng rằng sẽ ngày càng được nhiều tiêu dùng trong, ngoài tỉnh lựa chọn sử dụng” - bà Vân cho hay.
Tiếp tục phát triển mạnh chương trình OCOP
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộ Đức, lũy kế đến nay toàn huyện có 33 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao.
Về chủ thể, hiện có 18 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP trong đó: 2 doanh nghiệp (5 sản phẩm), 1 hợp tác xã (8 sản phẩm), 15 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh (20 sản phẩm).
Hiện có 12/13 địa phương của huyện có sản phẩm đạt OCOP gồm: xã Đức Lân (3 sản phẩm), Đức Phong (3 sản phẩm), thị trấn Mộ Đức (1 sản phẩm), Đức Hòa (1 sản phẩm), Đức Thạnh (1 sản phẩm), Đức Tân (2 sản phẩm), Đức Chánh (5 sản phẩm), Đức Hiệp (2 sản phẩm), Đức Nhuận (10 sản phẩm), Đức Lợi (2 sản phẩm) Đức Minh (2 sản phẩm), Đức Thắng (1 sản phẩm).
Toàn huyện đã thực hiện 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là Cửa hàng Thanh niên Mộ Đức, điểm bán hành trung tâm dịch vụ biển Minh Tân (xã Đức Minh) và điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Huyện cũng đã tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm OCOP của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Năm 2024, huyện Mộ Đức tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, phấn đấu phát triển thêm từ 8 - 10 sản phẩm được công nhận.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, động viên các chủ thể xây dựng sản phẩm và hoàn thành các thủ tục công nhận sản phẩm OCOP.
Các chủ thể cần quan tâm nâng cao chất lượng, uy tín, cải tiến mẫu mã, tem nhãn, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Tăng cường liên kết giữa các chủ thể hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tìm kiếm thị trường để cùng nhau phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, nỗ lực đưa nhiều sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị.
Chương trình OCOP đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở huyện Mộ Đức. Riêng năm 2023, huyện Mộ Đức đã giảm được 2.854 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo giảm 566 hộ; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,66%.