Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Thực trạng và giải pháp

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặt được

Điều đáng ghi nhận, hiện nay khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân. Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế bền vững; qua đó, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân, nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, mô hình này đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hàng triệu lao động, tạo gần 50 nghìn việc làm mới hằng năm. Việc sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp, thu nhập của thành viên tăng hơn 35%; tích lũy khoảng gần 19 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất; là “hạt nhân” quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hạn chế

Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang hiện tồn không ít hạn chế, khiếm khuyết và thách thức phát triển. Cụ thể là số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và hợp tác xã chưa cao, thiếu tính bền vững... Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Phát triển hợp tác xã không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính của các hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa được như kỳ vọng. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Niềm tin của các thành viên với sự hoạt động và phát triển của hợp tác xã chưa cao. Các hợp tác xã thường gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm. Việc quản trị kinh doanh còn nhiều hạn chế, khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ. Đa số thành viên quản trị hợp tác xã đã nhiều tuổi, khó tiếp cận công nghệ thông tin trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đọan 2021 - 2030. Đây được coi là chiến lược phát triển đầu tiên của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Những giải pháp

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam trong giai đoạn tới, việc đầu tiên phải xác định kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tập trung phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển...

PV

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi-thuc-trang-va-giai-phap-123267.html