Phát triển mô hình nuôi thỏ theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Những năm gần đây người dân các xã vùng cao tỉnh Lai Châu bắt đầu nuôi và phát triển mô hình nhóm hộ nuôi thỏ chiết xuất vắc xin theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản thay vì nuôi lấy thịt như trước đây. Nhờ đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao mô hình này là hướng đi giúp người dân các dân tộc vùng cao thoát nghèo bền vững.

Nuôi thỏ chiết xuất vắc xin cho thu nhập cao.

Nuôi thỏ chiết xuất vắc xin cho thu nhập cao.

Một trong những mô hình nuôi thỏ chiết xuất vắc xin trên địa bàn xã Nậm Cần, huyện Than Uyên là mô hình của nhóm hộ gia đình ở bản Nà Phát do anh Nguyễn Quang Thành làm đầu tiên.

Năm 2018, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, Công ty dược phẩm Nip Ponzoki của Nhật Bản đã tới trang trại của anh Thành để tìm hiểu và ký hợp đồng hợp tác. Khi tham gia dự án này, các hộ nuôi thỏ như anh Thành sẽ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.

Với nguồn thức ăn chủ yếu từ lá cây tự nhiên sẵn có tại địa phương, cùng với việc chăm sóc, nuôi theo quy trình tiêu chuẩn của Nhật Bản nên đàn thỏ phát triển tốt và sinh sản nhanh. Từ 400 con thỏ giống ban đầu, đến nay đàn thỏ ở đây đã phát triển lên tới gần 2.000 con. Trung bình một con thỏ nuôi để chiết xuất vắc xin cho thu lãi từ 2-2,5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Quang Thành cho biết, toàn bộ thỏ nuôi trong trang trại nhà anh đều được xuất khẩu sang Nhật Bản để nghiên cứu và chiết xuất ra vắc xin phục vụ y học. Do đó, trong quá trình nuôi dưỡng, phía đối tác Nhật Bản yêu cầu rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài một số cám do Công ty dược phẩm Nip Ponzoki cung cấp, các hộ trong nhóm sẽ thay nhau lấy lá cây rừng, cây thảo dược cho thỏ ăn, để hạn một số bệnh như chướng bụng đầy hơi, đi ngoài… Chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt nước uống cũng phải là nước sạch, đảm bảo vệ sinh.

“Do không phải lo đầu ra cho sản phẩm nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại, đẩy mạnh phát triển đàn thỏ, các hộ trong nhóm sẽ thay nhau tìm kiếm thức ăn và chăm sóc đàn thỏ, từ đó giúp các hộ khác tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”, anh Nguyễn Quang Thành cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hữu Thức, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cần cho biết, hiện trên địa bàn xã mới có 2 nhóm hộ gia đình nuôi thỏ để chiết xuất vắc xin. Mô hình này tuy mới nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Chính vì vậy, hiện nay có nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã Nậm Cần cũng như các xã lận cận đến thăm quan và học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ để chiết xuất vắc xin tại 2 nhóm hộ này.

Mặc dù mới phát triển, nhưng mô hình chăn nuôi thỏ chiết xuất vắc xin đã cho thấy hiệu quả nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và cam kết với doanh nghiệp thu mua. Việc liên kết nhóm hộ, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo nên chuỗi liên kết vững chắc trong chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi này thực sự đang cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc giúp cho người dân ở địa phương tăng thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Công Tuyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/phat-trien-mo-hinh-nuoi-tho-theo-tieu-chuan-nhat-ban-tintuc447069