Phát triển môn bơi chải trong các lễ hội truyền thống
Những năm qua, trong các lễ hội truyền thống, việc tổ chức thi bơi chải diễn ra sôi động, thu hút sự cổ vũ của đông đảo người dân. Đặc sắc nhất là bơi chải đứng ở lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, trong các lễ hội truyền thống, việc tổ chức thi bơi chải diễn ra sôi động, thu hút sự cổ vũ của đông đảo người dân.
Đặc sắc nhất là bơi chải đứng ở lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm. Theo các vị cao niên trong làng, thời thịnh nhất, những năm 40 của thế kỷ trước, lễ hội có 25 thuyền chải tham gia; đến nay chỉ còn 15 chải đại diện cho 15 xóm trong làng. Các thuyền chải đều đóng bằng gỗ dổi; khuôn mẫu thống nhất, cấu trúc hình con thoi, dài 12m, chia 5 khoang đều nhau. Khoang giữa mạn thuyền sâu nhất 40cm, rộng nhất 120cm; phần mũi và lái hẹp lại. Hai mạn thuyền phía lái nhô cao, lượn tròn góc là tai thuyền. Các chải đều được đóng vững chắc, lưu giữ nét đẹp truyền thống và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Thuyền được bọc bằng vải, lụa, đánh bóng, sơn mài nhiều lần, nên có màu đen bóng cả hai mặt trong, ngoài và viền son tươi hai bên mạn. Theo quy định, mỗi thuyền có 10 người là trai tráng trong xóm; không được thuê, mượn tay chải xóm khác. Trước khi phát lệnh, các đội phải bốc thăm vị trí xuất phát và làm lễ “lấy chân chèo” (tuyển lựa, kiểm tra vận động viên thi đấu). Tại điểm xuất phát các đội chải không được vượt nhau tại kênh Đồng Nê; khi qua Cống Bùi đến sông Ninh Cơ, các chải bơi mới bắt đầu bung sức vượt nhau bằng mọi cách. Cuộc đua diễn ra 3 vòng trên sông với tổng chiều dài khoảng 35km, thời gian gần 4 giờ. Đội đua đầu tiên chạm vào cây Nêu cắm tại kênh làm mốc là giành chiến thắng. Kết thúc cuộc thi, các tay chải trong đội đều lưu giữ một sợi quai chèo hoặc cành cây Nêu với quan niệm đem lại may mắn, sức khỏe trong cuộc sống. Hội thi có quy chế phần thưởng của đội thắng cuộc là bánh dày. Vào mỗi dịp lễ hội, hoạt động bơi chải làng Hành Thiện trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, là dịp người dân tưởng nhớ công lao của ông cha đã có công quai đê, lấn biển; thu hút đông người dân địa phương và khách thập phương về dự.
Lễ hội Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) diễn ra từ ngày 13 đến 15-9 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Trong lễ hội, có tổ chức thi bơi chải. Tham dự giải có 5 dòng họ trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì); mỗi họ đảm nhiệm một chải, riêng 2 họ Dương và Lê do thiếu người nên hợp chung một chải. Từ năm 2010, các họ huy động con cháu đã cùng nhau đóng góp kinh phí đóng mới, sửa chữa chải, mỗi chải giá trị hàng chục triệu đồng; mua sắm trang phục, dụng cụ thi đấu gồm tay chải, gầu nước, trống, cờ... Trước lễ hội một tháng, các dòng họ đã tuyển chọn người tập luyện, ký kết quy ước giữa 5 dòng họ đảm bảo tuân thủ quy định của ban tổ chức. Người tham gia thi đấu là con em trong dòng tộc, không phân biệt tuổi tác; từ trai tráng giàu kinh nghiệm sông nước đến các tay chải lứa tuổi học sinh có sức khỏe, nhiệt tình thi đấu. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày 4 chải sẽ thi đấu 4 vòng quanh đoạn sông ven Quốc lộ 21 với chiều dài khoảng 10km. Các đội chải tham dự lễ hội chùa Cổ Lễ có 16 người gồm 12 tay chèo, còn lại là người lái, tay mõ, tay cờ, người tát nước. Khi xuất phát, 4 chải xếp ngang hàng nhau; các đội thi đấu được phân biệt qua đầu chít khăn điều, mặc đồng phục truyền thống 4 màu: xanh, đỏ, tím, vàng. Trong suốt cuộc thi, ngoài việc cố gắng đua sức về đích, các đội còn phải tìm cách dìm chải, phá sức nhau. Vì vậy, khi thi đấu, có nhiều cú dìm chải giữa các đội dẫn tới lật chải trên sông. Khi bị lật, các đội được phép dựng lại chải, tiếp tục cuộc đua. Tính quyết liệt của cuộc thi luôn đòi hỏi các thành viên trong đội phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý; đồng thời các tay chèo phải khôn khéo, dẻo dai. Hàng nghìn khán giả đứng đông nghịt hai bên bờ sông theo dõi, cổ vũ tinh thần thi đấu của các vận động viên.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 30 xã, thị trấn khôi phục và phát triển môn bơi chải lồng ghép trong các lễ hội truyền thống; trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng... Việc bảo tồn, phát triển của môn bơi chải là do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân các địa phương, đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao. Nhiều địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội để tham gia đóng chải thi đấu, đồng thời tuyên truyền, vận động để nhân dân tài trợ.
Việc duy trì tổ chức môn bơi chải tại các lễ hội vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, vừa bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Qua đó, tạo sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa thể thao với du lịch; giới thiệu với nhân dân địa phương và khách thập phương những nét đẹp văn hóa thể thao dân gian của từng địa phương./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh