Phát triển năng lượng sạch phục vụ tăng trưởng xanh

Phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đang trở thành những yếu tố quan trọng góp phần định hình mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tỉnh Bình Dương đang phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện năng lượng mặt trời... hứa hẹn sẽ giải quyết căn cơ vấn đề môi trường, đưa nguồn năng lượng sạch tham gia vào quá trình sản xuất xanh, góp phần phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững của tỉnh.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ký kết với Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển điện mặt trời cung cấp cho các khu công nghiệp xanh

Triển vọng năng lượng mặt trời

Tỉnh Bình Dương được đánh giá có tiềm năng lớn về điện mặt trời, với số giờ nắng trung bình cao, khoảng 2.400 giờ/năm. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 780.135 MWp.

Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện tỉnh Bình Dương đang phát triển đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch, theo đó không chỉ tập trung vào điện mặt trời mà còn khai thác tiềm năng từ điện sinh khối và điện rác, hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững, tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Tỉnh Bình Dương xác định phát triển năng lượng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng một nền kinh tế phát triển hài hòa với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều dự án điện mặt trời mái nhà được phát triển không chỉ tại các doanh nghiệp (DN) mà lan tỏa đến các hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt. Nhiều DN cũng đã chủ động đầu tư hệ thống điện mặt trời để tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 4.000 dự án điện mặt trời áp mái, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết

Xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp xanh

Đầu tháng 4-2025 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ký kết với Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hợp tác đầu tư sản xuất năng lượng quy mô lớn như trang trại điện mặt trời, điện gió, điện khí và các lĩnh vực năng lượng sạch khác, nhằm cung ứng nguồn năng lượng ổn định trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đóng góp cho mục tiêu trung hòa carbon, tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Các bên bày tỏ tin tưởng thỏa thuận hợp tác này góp phần xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp xanh, thu hút nhà đầu tư chất lượng cao hơn, cũng như thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến tỉnh Bình Dương sinh sống và làm việc.

Ông Nguyễn Trường Thi cho biết, dự báo nhu cầu điện mặt trời tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bên cạnh điện mặt trời, tại tỉnh Bình Dương hiện có dự án đốt rác thu hồi nhiệt để phát điện, tận dụng nguồn thải để sản xuất năng lượng tái tạo (nhà máy phát điện từ rác) của Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase). Nhà máy này do Biwase nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Tỉnh Bình Dương đã có quy hoạch phát triển lưới điện gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả việc phát triển các nguồn năng lượng mới như điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối.

Tỉnh Bình Dương cũng đã đề xuất, bổ sung dự án vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Theo đó, đối với công suất, tỉnh kiến nghị tăng thêm cho nguồn điện mặt trời, cụ thể đối với điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2025-2030 là 2.878 MW, giai đoạn 2031-2035 là 4.234 MW; đối với điện mặt trời tập trung (mặt đất) giai đoạn 2025-2030 là 1.562 MW, giai đoạn 2031-2035 là 2.687 MW. Đối với công suất tăng thêm cho điện rác, tỉnh kiến nghị trong giai đoạn 2023-2025 là 9,6 MW, giai đoạn 2025-2030 là 24 MW. Đối với điện đồng phát, tỉnh đề nghị bổ sung giai đoạn 2025-2030 là 237,3 MW, giai đoạn 2030-2035 là 251 MW.

Có thể nói, việc Chính phủ cho phép phát triển điện mặt trời “tự sản tự tiêu” đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để trong thời gian tới các DN có thể mạnh dạn đầu tư khai thác nguồn năng lượng sạch, góp phần hiện thực hóa chủ trương về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Nhà máy Lego Manufacturing Vietnam tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III là dự án đầu tiên của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Nhà máy được lắp đặt hơn 12.400 tấm pin mặt trời áp mái có công suất 7,34 MWp, ước tính sản lượng điện đủ cung cấp cho khoảng 1.270 hộ gia đình mỗi năm. Nhà máy Lego cũng áp dụng biện pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Nhà máy đặt mục tiêu không tạo ra rác thải chôn lấp, phù hợp với xu hướng sản xuất xanh, phát triển bền vững của thế giới.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-nang-luong-sach-phuc-vu-tang-truong-xanh-a346462.html