Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức
Ngày 18-6, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức.
Dự diễn đàn có đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức kinh tế, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Diễn đàn là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sạch (NLS), năng lượng tái tạo (NLTT) gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Diễn đàn cũng là dịp để các nhà quản lý, đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn NLS trong giai đoạn tới, đặc biệt là NLS không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái tạo được; đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp và xã hội nâng cao nhận thức về sử dụng NLS; qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Chủ đề “Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” rất phù hợp với giai đoạn Việt Nam hiện nay. Bởi năng lượng có vị trí đặc biệt quan trọng, tác động không nhỏ đến quá trình bền vững và phát triển toàn cầu. Việt Nam trong nhiều năm vừa qua, trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội đã kéo theo nhu cầu năng lượng tăng cao. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của các cấp, các ngành, ngành năng lượng Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu điện là vấn đề đang đặt ra nhiều thách khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của NLS, NLTT đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều đột phá. Trong đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió; khai thác “năng lượng xanh” gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, xu hướng về thực hiện tăng trưởng xanh, đảm bảo yêu cầu về môi trường, chất lượng cuộc sống, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển NLTT, tỷ lệ sử dụng NLTT đạt rất cao. Đây là xu hướng khách quan, có sức ép cho các nước đi sau, đặc biệt là các nước đang phát triển. Với Việt Nam, việc phát triển, sử dụng NLTT cần gắn liền với công nghệ tiên tiến để việc sử dụng NLTT được hiệu quả, ổn định, đáp ứng được yêu cầu cả về kinh tế và môi trường.
Thảo luận, đóng góp ý kiến về phát triển và sử dụng NLS, NLTT các đại biểu đều nhấn mạnh đây là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước đòi hỏi thực tế về nhu cầu điện tăng cao phục vụ phát triển, năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang không đáp ứng đủ nhu cầu, việc phát triển NLS, NLTT càng trở nên cấp thiết với Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển, sử dụng hiệu quả NLS, NLTT, cần có những cơ chế chính sách, quy định dài hạn, cụ thể, chặt chẽ. Đặc biệt là những cơ chế về đấu thầu, quy định về kỹ thuật đối với những dự án phát triển, sử dụng NLS, NLTT để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Nhiều ý kiến chỉ ra, đây là nhu cầu cấp thiết, nhưng thời điểm hiện tại việc phát triển một số loại NLTT còn chi phí cao, như điện gió ngoài khơi hiện đang chi phí rất cao, nên cần tính toán phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh trong nước và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Nhiều ý kiến kiến nghị cần sớm phát triển hạ tầng, mạng lưới truyền tải điện tương xứng với quy mô phát triển công suất điện để tránh tình trạng công suất nhiều trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được phải giảm công suất như một số dự án hiện nay. Đại diện một số doanh nghiệp cũng mong muốn các bộ, ban ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc phát triển các dự án NLS, NLTT.
Một trong những kiến nghị cũng được nhiều đại biểu nhắc đến đó là việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Trong khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao, việc đáp ứng còn gặp khó khăn thì việc sử dụng tiết kiệm là rất cần thiết để đảm bảo năng lượng luôn có đủ cho phát triển kinh tế-xã hội.