Phát triển năng lượng tái tạo: Xu hướng tất yếu

Là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch - nhận định này được giới chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại buổi khai mạc 'Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019' diễn ra sáng 17/9, tại Hà Nội.

Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á ở thời điểm này. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng với tốc độ chóng mặt thời gian qua của nguồn năng lượng này đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện…

Tại buổi tọa đàm khai mạc Tuần lễ năng lượng với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: “Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhận định, việc phát triển năng lượng mặt trời trong 1 năm vừa qua đã nâng công suất lên được gần 5.000 MW, đây là con số rất lớn so với sự phát triển năng lượng chung của thế giới. Đặc biệt, thời gian này Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược này vừa tận dụng được tiềm năng trong nước, vừa thừa hưởng được thành tựu phát triển của khoa học công nghệ thế giới.

Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - Cơ quan điều phối VSEA, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, do đó chúng ta sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch. Bà Khanh cũng cho rằng, việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.

Cũng cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần hướng đến trong bối cảnh các nguồn điện khác đang dần cạn kiệt, ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Việt Nam cũng đang đối diện với bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Theo ông Linh, khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bởi vậy, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời - đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Hy vọng khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hóa, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/phat-trien-nang-luong-tai-tao-xu-huong-tat-yeu-tintuc447629