Phát triển nền đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa X về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội đông y Việt Nam trong thời kỳ mới; công tác y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả thiết thực. Chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình trồng và sản xuất cây dược liệu góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cán bộ Bệnh viện Y dược cổ truyền bốc thuốc nam phục vụ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Hồng Luận

Cán bộ Bệnh viện Y dược cổ truyền bốc thuốc nam phục vụ điều trị bệnh nhân. Ảnh: Hồng Luận

Bám sát chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 14.664 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 31.396 tấn. Có 36 doanh nghiệp, HTX trồng dược liệu; 1 doanh nghiệp khoa học công nghệ, với sản phẩm giống cây bình vôi hoa đầu, giống ba kích nhân bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; có 3 chuỗi cung ứng dược liệu an toàn và một số mô hình trồng cây dược liệu.

Trong đó, mô hình trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, quy mô 11 ha đã cho thu hoạch. Trồng thảo quả dưới tán rừng tại các huyện Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La. Năng suất bình quân đạt từ 3-5 tấn quả tươi/ha, giá trị thu nhập từ 60-100 triệu đồng/ha. Trồng cây sachi tại HTX nông nghiệp Thành Cường, bản Mòn, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, quy mô 2 ha, năng suất đạt 1,2 tấn hạt/ha, bán với giá trung bình 25-35 triệu đồng/tấn. Mô hình trồng sả java tại huyện Mường La, doanh thu 35 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, hiện nay đang phát triển tốt...

Những năm qua, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã phát huy hiệu quả. Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 bệnh viện y dược cổ truyền; khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Toàn tỉnh có 241 cán bộ, y, bác sĩ đảm nhiệm công tác đông y. Tỷ lệ khám, chữa bệnh y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở tuyến tỉnh đạt 56%; tuyến huyện là 15,9% và tuyến xã là 17,4%.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền hướng dẫn bệnh nhân cách điều trị các bệnh mãn tính. Ảnh: PV

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền hướng dẫn bệnh nhân cách điều trị các bệnh mãn tính. Ảnh: PV

Hệ thống y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, mũi nhọn, như: Tiêm khớp; tiêm huyết tương giàu tiểu cầu; phẫu thuật cắt búi trĩ khâu treo triệt mạch; xét nghiệm miễn dịch, định lượng AFD (alpha fetoproteine), định lượng CEA carcino Embyonic Antigen); hỏa long cứu, cấy chỉ, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt... Nhiều bệnh lý được điều trị hiệu quả bằng phương pháp y dược cổ truyền tại các bệnh viện, như các bệnh đau khớp, dị ứng, hen phế quản, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, viêm khớp, bệnh lý thần kinh, di chứng tai biến mạch máu não...

Cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền tham gia Hội thi điều dưỡng viên giỏi. Ảnh: PV

Cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền tham gia Hội thi điều dưỡng viên giỏi. Ảnh: PV

Bác sỹ Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện y dược cổ truyền, Chủ tịch Hội đông y Sơn La, cho biết: Hội có 228 hội viên; có 6 chi hội tại các huyện. Hội đã phối hợp với Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các y, bác sỹ, điều dưỡng làm công tác y học cổ truyền. Phát triển các phòng khám, chữa bệnh đông y của các bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền, lương y, người làm thuốc gia truyền. Nghiên cứu, bào chế, sản xuất thuốc y học cổ truyền hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; các bài thuốc được bào chế, sử dụng, như thuốc sắc thanh hao hoa vàng; bài thuốc xông phát biểu tiêu phong-SL; thuốc siro tiêu khái thanh-SL... Ngoài ra, còn giúp các xã xây dựng vườn thuốc nam mẫu và các phương pháp khám, chữa bệnh bằng đông y, như châm cứu, sử dụng thuốc nam địa phương với các vị thuốc tuyến xã.

Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của đông y trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về y học cổ truyền; đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể vùng chuyên trồng dược liệu; tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất thuốc, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong chế biến, sản xuất thuốc đông dược, tạo nhiều thuốc thành phẩm, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/phat-trien-nen-dong-y-trong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-N464L1lVR.html