Phát triển nền kinh tế xanh: Chặng đường phía trước còn dài!

Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng chặng đường hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn dài, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.

Tín hiệu tích cực trong chuyển đổi nền kinh tế xanh

Phát triển kinh tế xanh là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn chính là mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và địa phương và được thể hiện đậm nét nhất trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Phát triển kinh tế xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn chính là mục tiêu của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Phát triển kinh tế xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn chính là mục tiêu của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển kinh tế xanh không chỉ là bắt kịp xu hướng và thực hiện cam kết của toàn cầu về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn, chính là xuất phát từ nhu cầu nội tại cấp thiết của đất nước. Đây cũng là con đường và lựa chọn duy nhất mà Việt Nam cần phải theo đuổi nếu muốn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng 13 đã đặt ra.

Trên thực tế thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia thông qua các chính sách cụ thể trên các ngành, lĩnh vực, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế. Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh quốc gia cũng đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh đã có những bước thể chế hóa đầu tiên thông qua việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia và tiêu chí lựa chọn các dự án xanh thí điểm; xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tín dụng cũng như các nhà đầu tư xác định các hoạt động, chương trình, dự án xanh.

Nhờ đó, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục có những bước chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thu hút dòng vốn đầu tư xanh, chuyển hướng đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng chất lượng cao và có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài cho năng lượng tái tạo chiếm chủ yếu, tăng gấp 5,7 lần trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2023, tín dụng xanh tiếp tục ghi nhận tăng trưởng với mức tăng 12,74% so với cuối năm 2022, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45% tổng dư nợ tín dụng xanh).

Tín dụng xanh ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian quan (Ảnh minh họa)

Tín dụng xanh ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian quan (Ảnh minh họa)

5 giải pháp thúc đẩy nền kinh tế xanh

Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chặng đường hướng tới nền kinh tế xanh còn rất dài và Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để biến tư duy thành hành động, biến định hướng, mục tiêu thành kết quả cụ thể.

Trên cơ sở đó, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung ưu tiên 5 nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai thí điểm chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp nhằm đánh giá mức độ xanh hóa của nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện hệ thống phân loại ngành xanh quốc gia và xác định những nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn tới; xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cụ thể: Xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh; chính sách về khu công nghiệp sinh thái, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế ưu đãi về đầu tư vào các dự án, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát thải thấp, ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường; sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn xanh, nguồn tài chính khí hậu.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, sử dụng phù hợp nguồn lực đầu tư công từ ngân sách nhà nước để tạo bước đi, dẫn dắt đầu tư tư nhân và hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương. Việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ được ưu tiên để thực hiện các dự án xanh trọng điểm trong từng giai đoạn. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình hành động nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và triển khai và đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững nhằm ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững, phục vụ công cuộc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh của đất nước; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển, các đối tác phát triển; tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, tìm hiểu các xu hướng đầu tư, xu hướng công nghệ mới nhất trên toàn cầu, qua đó tìm ra các cơ hội để Việt Nam có thể nắm bắt trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế xanh thông qua ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển kinh tế xanh tới các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, để tạo nền tảng hiểu biết chung và từ đó biến suy nghĩ, tư duy thành hành động cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn bộ hệ thống kinh tế-xã hội.

Linh Đan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nen-kinh-te-xanh-chang-duong-phia-truoc-con-dai-304748.html