Phát triển nền tảng địa chỉ số, giúp tìm kiếm thông tin dễ dàng
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số (ĐCS) quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Trao đổi với Báo Phú Yên về kế hoạch này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết:
- ĐCS là tập hợp thông tin nhằm xác định vị trí, tọa độ của một địa danh hoặc một đối tượng bất kỳ gắn liền với đất. Đối tượng được gắn ĐCS là nhà ở, trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng, địa danh hoặc bất cứ cấu trúc vật lý gắn liền với đất nào cần xác định vị trí để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và toàn xã hội. Mã ĐCS được biểu diễn dưới dạng ký tự số, dễ nhớ, dễ sử dụng, đảm bảo tính duy nhất và có thể thay thế địa chỉ hành chính.
* Mục tiêu của kế hoạch này là gì và yêu cầu đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
- Mục tiêu của kế hoạch là thu thập, cập nhật thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu ĐCS của tỉnh tích hợp với cơ sở dữ liệu ĐCS quốc gia, để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Yêu cầu đặt ra là triển khai quyết liệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và Kế hoạch phát triển nền tảng ĐCS quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh Phú Yên; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ TT-TT, các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nền tảng ĐCS và các doanh nghiệp phát triển nền tảng bản đồ số. Đồng thời qua đó làm tốt công tác truyền thông, thông tin về Kế hoạch triển khai nền tảng ĐCS quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
* Thưa đồng chí, những nhóm nội dung chính được triển khai bao gồm những gì?
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ theo 4 nhóm nội dung chính, bao gồm: tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu ĐCS của tỉnh; triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ nền tảng ĐCS gắn với bản đồ số; thông báo ĐCS và gắn biển ĐCS; tổ chức thông tin, tuyên truyền về nền tảng ĐCS quốc gia gắn với bản đồ số tại tỉnh.
Với nhóm nội dung về tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu ĐCS quốc gia, thì cơ sở dữ liệu ĐCS quốc gia tại tỉnh phải có cấu trúc phù hợp với cấu trúc nền tảng ĐCS và nguyên tắc gắn ĐCS. Một ĐCS khi thu thập, cập nhật dữ liệu phải đảm bảo cấu trúc và tối thiểu có đủ các trường thông tin cơ bản. Khuyến khích Bưu điện tỉnh và các địa phương thu thập, cập nhật các trường thông tin nâng cao để phục vụ công tác thông báo ĐCS và phát triển nền tảng, cơ sở dữ liệu ĐCS đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ về ĐCS như: tìm kiếm địa chỉ, gợi ý ĐCS, xác thực địa chỉ, định danh tọa độ, địa chỉ và các dịch vụ ĐCS khác. Triển khai và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu ĐCS phục vụ nhu cầu nghiệp vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, kết hợp xây dựng nền tảng bản đồ số và phát triển ứng dụng bản đồ số phục vụ các ngành, lĩnh vực như bản đồ dịch tễ, vùng an toàn dịch bệnh, y tế, giáo dục, du lịch, nông sản… Triển khai các dịch vụ ứng dụng nền tảng ĐCS gắn với bản đồ số khác.
* Vậy tiến độ và việc tổ chức thực hiện để sớm triển khai có hiệu quả các nội dung đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
- Trong năm 2022, tỉnh sẽ hoàn thành các trường thông tin cơ bản và nâng cao; các năm tiếp theo sẽ cập nhật, bổ sung các trường thông tin để từng bước hoàn thiện nền tảng ĐCS gắn với bản đồ số tại Phú Yên.
UBND tỉnh giao Sở TT-TT làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT-TT, các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Bưu điện tỉnh thực hiện các nội dung của kế hoạch này; đôn đốc, theo dõi và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ TT-TT khi có yêu cầu; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; truyền thông, tập huấn, hướng dẫn sử dụng, khai thác nền tảng ĐCS quốc gia gắn với bản đồ số. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh, các sở, ngành và các đơn vị liên quan, UBND cấp huyện để thu thập, cập nhật thông tin các đối tượng địa chỉ khác để xây dựng các bản đồ số chuyên ngành khi phát sinh nhu cầu quản lý, khai thác tại các ngành, địa phương.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Để bảo đảm đúng tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về triển khai nền tảng ĐCS quốc gia trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để triển khai kế hoạch hiệu quả.
PHẠM THÙY (thực hiện)