Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc: Thực trạng, thành tựu và định hướng

Vĩnh Phúc đang nổi lên như "trái tim" của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ các tập đoàn ô tô, điện tử lớn. Tuy nhiên, đối mặt với bài toán "sống còn", tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp để bứt phá trong cuộc đua công nghệ và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị kinh tế quốc tế.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cải tiến máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác như Honda, Yamaha…

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, cải tiến máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác như Honda, Yamaha…

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bao gồm hoạt động sản xuất, cung ứng linh kiện, phụ tùng, vật liệu và dịch vụ kỹ thuật, phục vụ các ngành chủ lực như ô tô, điện tử và cơ khí chế tạo. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, CNHT đóng vai trò cốt lõi trong nâng cao năng lực sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tăng sức cạnh tranh cho các ngành mũi nhọn nhờ tối ưu chuỗi cung ứng và giảm chi phí.

Với lợi thế gần Hà Nội, cơ sở hạ tầng hiện đại cùng các khu công nghiệp lớn như Khai Quang, Bình Xuyên, tỉnh thu hút lượng vốn FDI, tập trung vào sản xuất ô tô, xe máy và điện tử. CNHT giữ vị trí trung tâm trong chiến lược kinh tế địa phương, nâng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp chính, tạo hàng nghìn việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Sự phát triển của CNHT tại Vĩnh Phúc xuất phát từ chính sách đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Trung ương, Vĩnh Phúc đã triển khai các chính sách phù hợp với ưu đãi cụ thể như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giá thuê đất trong khu công nghiệp và tín dụng lãi suất thấp.

Nhờ sự phối hợp hiệu quả, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển CNHT với số doanh nghiệp tăng, công nghệ được cải thiện, mức độ hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng sâu. Theo thống kê của Sở Công thương Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất CNHT, trong đó hơn 70 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn.

4 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Daewoo Bus và Công ty TNHH Piaggio Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, đặc biệt là sản xuất ô tô và xe máy.

Cơ cấu ngành chủ yếu gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với sự tham gia đáng kể của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nổi bật là các nhà cung cấp cho Toyota, Honda, Piaggio, Samsung và LG.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh, năm 2024, quy mô GRDP của tỉnh ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 9,95% so với năm trước. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Về lao động, ngành CNHT tại Vĩnh Phúc đã tạo việc làm cho hơn 150.200 lao động, trong đó có 142.440 lao động làm việc tại các KCN và hơn 7.800 lao động tại các CCN, chiếm khoảng 25-30% tổng lực lượng lao động của tỉnh.

Con số này không chỉ phản ánh quy mô lớn của ngành mà còn cho thấy vai trò quan trọng trong ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ đào tạo với mức hỗ trợ lên tới 70% chi phí đã nâng cao tay nghề lao động, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trong sản xuất linh kiện ô tô và điện tử.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế, 3 lĩnh vực chủ lực của ngành CNHT tại Vĩnh Phúc đã khẳng định tầm quan trọng trong chuỗi giá trị kinh tế quốc tế.

Ngành ô tô và xe máy phát triển nhờ các tập đoàn lớn như Toyota, Honda và Piaggio đẩy mạnh sản xuất nội địa; trong đó, Toyota có 79 nhà cung cấp cấp một (39 DDI và 40 FDI), góp phần chuyển giao công nghệ và hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Ngành điện tử tại Vĩnh Phúc thu hút đáng kể vốn FDI, với các doanh nghiệp như Patron Vina và Haesung Vina đóng vai trò quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam đạt 126,5 tỷ USD vào năm 2024 và Vĩnh Phúc đóng góp hơn 2,2 tỷ USD từ linh kiện điện tử trong quý I/2025.

Ngành cơ khí chế tạo duy trì tăng trưởng ổn định nhờ sản xuất máy móc và thiết bị công nghiệp, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu. Sự kết hợp giữa chính sách ưu đãi và đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực là động lực then chốt để ngành CNHT tại Vĩnh Phúc tiến vững chắc, hướng tới trở thành trụ cột kinh tế của tỉnh vào năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành CNHT tại Vĩnh Phúc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khiến các doanh nghiệp địa phương khó chủ động trong sản xuất và đổi mới sáng tạo.

Ví dụ, nhiều linh kiện quan trọng trong ngành ô tô và điện tử vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng nội địa. Tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật cao đang cản trở khả năng mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện với các KCN hiện đại, nhưng tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng đòi hỏi đầu tư thêm vào giao thông, điện, nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Vào ngày 2/4/2025, Mỹ đã áp đặt mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã tạm thời hoãn việc áp thuế đối ứng trong 90 ngày, từ ngày 2/4/2025 đến ngày 1/7/2025, nhằm tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán song phương.

Nhưng nếu sau thời gian hoãn này mức thuế 46% được thi hành, các doanh nghiệp CNHT tại Vĩnh Phúc sẽ phải đối mặt với các kịch bản xấu hơn, chi phí sản xuất tăng cao, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và giảm sút dòng vốn FDI, điều này có thể khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường khác.

Trước tác động từ chính sách tăng thuế của Mỹ, các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cần phải triển khai những giải pháp ứng phó linh hoạt trong ngắn hạn nhằm duy trì hoạt động sản xuất và ổn định thị trường.

Một trong những biện pháp cấp thiết là tái cơ cấu đơn hàng, điều chỉnh tỷ trọng xuất khẩu để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ, đồng thời chủ động khai thác các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Trung Đông.

Song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động tái đàm phán hợp đồng thương mại, tìm kiếm sự chia sẻ chi phí từ phía đối tác để giảm thiểu rủi ro tài chính trong giai đoạn bất ổn. Việc cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng cũng cần được đẩy mạnh, tạo nền tảng để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Về dài hạn, để chủ động thích ứng với các biến động thương mại quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh cần tập trung phát triển các ngành CNHT quan trọng như ô tô, điện tử và cơ khí. Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, các sự kiện kết nối doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung cấp cần được thúc đẩy để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngành CNHT. Đầu tư đào tạo nghề, tập trung vào các kỹ năng như kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng, kết hợp với sự hợp tác từ các doanh nghiệp dẫn đầu sẽ đảm bảo lao động đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương qua nghiên cứu thị trường, quảng bá thương mại và đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời khuyến khích tham gia hội chợ triển lãm quốc tế sẽ giúp xây dựng mối quan hệ với các nhà mua hàng tiềm năng.

Vũ Tuấn Anh, Đại học Kinh tế quốc dân

Đào Tiến Công, Sở Công thương Vĩnh Phúc

Lưu Thị Lan Anh, Đại học Bách khoa Hà Nội

Đỗ Phương Chi, Trung tâm IDC – Bộ Công thương

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128203//phat-trien-nganh-cong-nghiep-ho-tro-tai-vinh-phuc-thuc-trang-thanh-tuu-va-dinh-huong