Phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững

ĐTO - Thời gian qua, huyện Tân Hồng tập trung cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo với mục tiêu nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...

Hệ thống hạ tầng giao thông nội đồng được đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nông dân

Hệ thống hạ tầng giao thông nội đồng được đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nông dân

Theo UBND huyện Tân Hồng, phấn đấu năm 2024 toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng lúa hơn 56 ngàn hecta, sản lượng đạt hơn 353 ngàn tấn; phấn đấu diện tích liên kết trong sản xuất lúa đạt trên 19.000ha/năm. Phấn đấu phát triển vùng trồng lúa được gắn mã số trong năm 2024 đạt 9.600ha; tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, giống đạt 12.000ha; nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao đạt 28.000ha; nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35 - 40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 10% trở lên so với năm 2020...

Để tiếp tục phát triển ngành hàng lúa gạo, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Tân Hồng tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ. Khuyến khích nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa giống của các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực sản xuất. Huyện tập trung đào tạo đội ngũ tư vấn viên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) là những phương thức cụ thể để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Điều này nhằm chủ động thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện chứng nhận nhằm giảm chi phí thuê đơn vị tư vấn.

Cùng với đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tận dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí về đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng lớn, trang trại sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tham gia vận hành, triển khai Hệ thống nền tảng số nông nghiệp Việt Nam (VDAPES) đến cấp xã; tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm chủ lực, đặc thù của huyện, nhất là các sản phẩm thuộc ngành hàng lúa gạo.

Huyện hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong các chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh; thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, dự tính, dự báo kịp thời đến người sản xuất; phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo; chú trọng đào tạo nông dân...

Ông Phan Công Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, thời gian tới, huyện chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất. Đặc biệt là tuyên truyền “Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp trên địa bàn huyện. Đồng thời khuyến khích chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, ưu tiên những diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, ngập úng sang các mục đích nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại...

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-nganh-hang-lua-gao-theo-huong-ben-vung-124108.aspx