Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Ninh

Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng quy hoạch nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng quy hoạch nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, từ năm 2014 đến 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, trình HĐND tỉnh ban hành chín nghị quyết liên quan. Triển khai hiệu quả Đề án 239 về “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”; các chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh; đề án dạy nghề cho lao động nông thôn... Những cơ chế, chính sách đột phá này đã được triển khai hiệu quả, giúp nguồn nhân lực của tỉnh tăng trưởng về số lượng và chất lượng.

Toàn tỉnh xác định nguồn nhân lực dựa trên hai nguồn là nhân lực tại chỗ và nhân lực thu hút, do đó phải làm rõ vai trò, cấu trúc lại và có cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nhân lực. Đồng thời, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, trong 5 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã dành 259 tỷ đồng cho việc triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020. Đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở và cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Đồng thời tỉnh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, duy trì ở mức khá cao. Theo đó, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh coi trọng vai trò gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với nhu cầu doanh nghiệp; liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo; hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Để bảo đảm chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng quy mô, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Được đầu tư xây dựng cơ sở mới, dạy và học tập trung, từ năm 2016 đến nay, trường đã tổ chức hơn 700 lớp, với hơn 50 nghìn lượt học viên về đào tạo lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được đổi mới với việc tăng cường đào tạo chuyên môn sâu, cập nhật kiến thức mới, tập trung vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng các lĩnh vực cụ thể mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo, điều hành, những vấn đề mang tính cấp thiết. Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ Nguyễn Thúy Phượng cho biết: Ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh, trường tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả các đối tượng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng Trường đại học Hạ Long là cơ sở đào tạo đa ngành. Sau gần sáu năm thành lập, Trường đại học Hạ Long đã thu hút được hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ vào làm việc và các phó giáo sư, tiến sĩ về thỉnh giảng. Để nâng cao chất lượng đầu vào, tỉnh ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành tại Trường đại học Hạ Long. Theo đó, một sinh viên có thể được hưởng mức hỗ trợ tối đa lên tới hơn 150 triệu đồng trong bốn năm học.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long Trần Trung Vỹ chia sẻ: Tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Trường đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía bắc. Đồng thời, mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề đang thiếu như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ; tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, động viên mọi thành phần kinh tế tham gia. Chú trọng đào tạo nghề và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp hài hòa giữa đào tạo, đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số.

Chất lượng nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố tiên quyết và đang được Quảng Ninh triển khai từng bước, bài bản, vừa đào tạo và bồi dưỡng, vừa thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần.

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, mang lại những chuyển biến tích cực, rõ nét trong chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, số cán bộ công chức, viên chức của Quảng Ninh được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ước khoảng 145 nghìn lượt. Trong đó, tỉnh đã bố trí hơn 260 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho gần 47 nghìn lượt cán bộ, với gần 800 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài. Trong đó, số lượng cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài là hơn một nghìn lượt. Đội ngũ cán bộ của tỉnh Quảng Ninh qua đào tạo, bồi dưỡng đã khẳng định, phát huy được trình độ, năng lực của mình, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ mà tỉnh đề ra; góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa bàn phát triển năng động, thu hút sự quan tâm, đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực trong nước và nước ngoài; thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Đến nay tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp hơn 34 nghìn người/năm. Quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800 nghìn người, tăng 8,2% so với năm 2015; đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 85%, tăng 20,55% so với năm 2015, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%; cơ cấu lao động của tỉnh hiện chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng tăng trưởng, trong đó khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh bứt phá, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm du lịch đẳng cấp, hiện đại của khu vực phía bắc và cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo kết hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Quy hoạch, xây dựng phát triển Trường đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực phía bắc.

Bài và ảnh : QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-o-quang-ninh-624959/