Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao y học cổ truyền gắn với nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế

Y học cổ truyền (YHCT) đã tồn tại, phát triển cùng với lịch sử loài người, ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong việc điều trị, dự phòng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ...

Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về YHCT gắn với nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Vậy thực trạng đào tạo nguồn nhân lực này như thế nào? PGS. TS. Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Y học cổ truyền là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế

PV: Có thể nói, y học cổ truyền luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Y học cổ truyền là một ngành y học ứng dụng các kiến thức, kinh nghiệm trong phòng ngừa, chẩn đoán, duy trì, cải thiện, điều trị và phục hồi bệnh thể chất và tinh thần dựa trên các hiểu biết từ y học dân gian, y học phương Đông, trong đó nền tảng là hai học thuyết âm dương - ngũ hành.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: NVCC.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Không chỉ châu Á, nhiều nước Âu, Mỹ đã bắt đầu xu hướng "trở về với tự nhiên" qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc cây cỏ hay các phương pháp điều trị của YHCT để dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe.

Ưu điểm nổi bật của y học cổ truyền là các thầy thuốc, bác sĩ thường nhìn một cách toàn diện, tổng thể về tình trạng thể chất, tinh thần người bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chữa bệnh từ căn nguyên. Điều này cũng rất phù hợp việc điều trị các bệnh lý mạn tính.

Ngày 17 - 18/8/2023, Hội nghị YHCT toàn cầu lần thứ nhất đã được đồng tổ chức bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chính phủ Ấn Độ, diễn ra bên lề hội nghị Bộ trưởng G20 với chủ đề "One Earth, One Family, One Future" (Một trái đất, một gia đình, một tương lai).

Các chuyên gia trên toàn thế giới về y học cổ truyền đã cố vấn, thảo luận cùng WHO xây dựng chính sách phát triển, chiến lược hành động giai đoạn 2025 - 2034 về YHCT. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử đối với ngành YHCT thế giới, thể hiện cam kết toàn cầu của WHO về gìn giữ và phát huy giá trị của y học bản địa, thúc đẩy phát triển YHCT, y học bổ sung và y học tích hợp (TCI medicine) trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO, nhu cầu về YHCT ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa. YHCT là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự "lão hóa khỏe mạnh", đóng vai trò xúc tác và quan trọng để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân. Đưa YHCT trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe - một cách phù hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất - có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới.

triệu người trên thế giới. Khoảng 40% thuốc ngày nay được sản xuất từ các sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính biểu tượng có nguồn gốc từ YHCT, bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em…

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam nhận Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Dược học trình độ đại học. Ảnh: TL

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam nhận Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Dược học trình độ đại học. Ảnh: TL

Đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền chất lượng cao

PV: Có thể nói, khám và điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng được người dân quan tâm. Ông có thể cho biết về thực trạng đào tạo về nguồn nhân lực y học cổ truyền ở nước ta hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Ở nước ta, hệ thống đào tạo y học cổ truyền bậc đại học và sau đại học hiện có 18 đơn vị: 1 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam; 10 trường đại học có thành lập khoa YHCT; 2 trường đại học Y có Bộ môn y học cổ truyền; 5 trường có liên bộ môn chuyên khoa có bộ phận YHCT. Hiện tại, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam là đơn vị đào tạo ngành YHCT duy nhất có liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nước ngoài, đó là Đại học Trung Y Dược Thiên Tân, Trung Quốc.

Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2020 - 2023 trung bình khoảng 1.300 sinh viên/năm, trong đó Học viện đào tạo khoảng 500 sinh viên/năm. Về nội dung đào tạo, các trường đào tạo theo hướng kết hợp y học hiện đại với YHCT. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể khám chữa các bệnh thường gặp bằng cả y học hiện đại và YHCT.

Số lượng học viên sau đại học giai đoạn 2020 - 2023 trung bình khoảng 600 học viên/năm bao gồm CKI, CKII, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành YHCT, CKI Châm cứu, CKI Dược liệu - Dược học cổ truyền , trong đó Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đào tạo khoảng 250 học viên/năm.

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Quốc tế Chi Lê về đào tạo ngắn hạn, trao đổi và giao lưu học thuật YHCT. Ảnh: TL

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Quốc tế Chi Lê về đào tạo ngắn hạn, trao đổi và giao lưu học thuật YHCT. Ảnh: TL

Một giờ giảng về thời châm cho sinh viên quốc tế tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: TL.

Một giờ giảng về thời châm cho sinh viên quốc tế tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: TL.

PV: Có thể nói mảng đào tạo nhân lực y học cổ truyền bậc đại học là một ngành giống như Y khoa, nhưng đào tạo bậc sau đại học hiện chưa theo hướng đa ngành trong YHCT. Vậy làm thế nào có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong khám và điều trị bệnh?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Việc đào tạo sau đại học ngành YHCT phần lớn các trường mới đào tạo 1 mã ngành chung là YHCT tập trung các bậc CKI, CKII, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ. Riêng Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã đào tạo thêm 2 mã ngành CKI là Châm cứu, Dược liệu - dược học cổ truyền. Hiện tại, học viện đã phối hợp với Câu lạc bộ các đơn vị đào tạo ngành YHCT, các bệnh viện YHCT trong toàn quốc tổ chức hội thảo về danh mục đào tạo sau đại học ngành YHCT.

Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã kết luận danh mục các ngành đào tạo sau đại học ngành YHCT gồm: Lý luận YHCT, Nội khoa YHCT, Ngoại khoa YHCT, Phụ khoa YHCT, Nhi khoa YHCT, Châm cứu xoa bóp, Ngũ quan YHCT, Da liễu YHCT, Truyền nhiễm YHCT, Lão khoa YHCT, Y học giới tính, Phục hồi chức năng YHCT, Phương tễ học lâm sàng... Hiện tại, các cơ sở đào tạo nói chung và học viện nói riêng đã và đang chuẩn bị nhân lực chuyên sâu theo các chuyên ngành trên và đang từng bước triển khai đào tạo các chuyên ngành sâu để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

PV: Hiện tại các bệnh viện YHCT đều phân khoa phát triển theo định hướng bệnh viện đa khoa YHCT, đòi hỏi nguồn nhân lực YHCT phải chuyên sâu theo từng nhóm bệnh. Là cái nôi đào tạo nhân lực về YHCT, Học viện đã và đang thực hiện những giải pháp nào để đáp ứng yêu cầu này?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy:Hiện nay, thực tiễn khám chữa bệnh tại các bệnh viện YHCT phát triển theo hướng đa khoa, các khoa lâm sàng chia thành nhiều chuyên khoa, như: Nội khoa YHCT, Ngoại khoa YHCT, Phụ khoa YHCT, Nhi khoa YHCT, Lão khoa YHCT, Ngũ quan YHCT, Da liễu YHCT, Cơ xương khớp, Kiểm soát và điều trị ung bướu, Thận tiết niệu và nam học, Phục hồi chức năng...

Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam là cơ sở đào tạo duy nhất trên cả nước có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu về YHCT; trong đó đào tạo đại học cả Y khoa, Dược để tăng cường hợp kết hợp y học hiện đại và YHCT trong công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học. Về mặt sau đại học, Học viện đã và đang mở các chuyên ngành sâu như CKI Nội, CKI Ngoại, CKI Nhi, CKI Chẩn đoán hình ảnh để đáp ứng nhân lực mảng y học hiện đại cho các bệnh viện YHCT.

Học viện đã và đang phối hợp với Câu lạc bộ các đơn vị đào tạo ngành YHCT xây dựng lộ trình từng bước tổ chức đào tạo chuyên sâu sau đại học ngành YHCT, gồm: Lý luận YHCT, Nội, Ngoại, Phụ, Nhi YHCT, Châm cứu xoa bóp, Ngũ quan, Da liễu, Truyền nhiễm, Lão khoa, Y học giới tính, Phục hồi chức năng YHCT, Phương tễ học lâm sàng. Thực tế, Học viện đã và đang mở các chuyên ngành sâu về Y, Dược cổ truyền như CKI Châm cứu, CKI Dược liệu - Dược học cổ truyền, Thạc sĩ Dược liệu - Dược học cổ truyền.

Cán bộ giảng viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tìm hiểu phương pháp điều trị và các vị thuốc Nam của người dân tộc Dao. Ảnh: TL

Cán bộ giảng viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tìm hiểu phương pháp điều trị và các vị thuốc Nam của người dân tộc Dao. Ảnh: TL

PV: Sự kết hợp giữa các phương pháp y học hiện đại và YHCT không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành Y tế Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho YHCT là vô cùng quan trọng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế. Giải pháp nào có thể thực hiện tốt việc đào tạo kết hợp này, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Việc kết hợp YHCT với y học hiện đại đã thực hiện trong nhiều năm qua. Trong bức thư gửi Hội nghị ngành Y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây". Trong các Nghị quyết Đại hội Đảng đều chỉ đạo kết hợp giữa y học hiện đại và YHCT để xây dựng nền y học Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030, Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019.

Giải pháp tốt nhất là các cơ sở đào tạo phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất để đào tạo theo kịp được với nhu cầu thực tiễn của xã hội vì các kiến thức, kỹ năng y học hiện đại thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó, việc không ngừng cập nhật kiến thức phải diễn ra thường xuyên liên tục để kịp thời đào tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hiện đại hóa các phương pháp chẩn đoán theo y học hiện đại.

Mặt khác, phải không ngừng hiện đại hóa việc bào chế các chế phẩm thuốc YHCT để nâng cao hiệu quả điều trị, chứng minh các phương pháp, kinh nghiệm bào chế của thế hệ cha ông dưới góc nhìn của khoa học hiện đại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy!

Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-y-hoc-co-truyen-gan-voi-nhu-cau-thuc-tien-va-hoi-nhap-quoc-te-169250225133436648.htm