TS.BS Ngô Chí Cương: Người nặng lòng với chuyên ngành Truyền nhiễm và nói không khi nhắc đến hai chữ 'mang ơn'

Bác sĩ Truyền nhiễm - những người làm nhiệm vụ 'gác cửa' đẩy lùi dịch bệnh luôn đối diện với nhiều nguy hiểm, thách thức nghề nghiệp. Thế nhưng, nếu ai cũng sợ vất vả, nguy cơ lây nhiễm, vậy ai sẽ trở thành bác sĩ Truyền nhiễm? Những câu chuyện nghề của TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế MEDLATEC có lẽ khiến bạn đọc có nhiều chiêm nghiệm khi đối diện với câu hỏi ngỏ này.

TS.BS Ngô Chí Cương tư vấn điều trị cho bệnh nhân

TS.BS Ngô Chí Cương tư vấn điều trị cho bệnh nhân

“Ở thế hệ của tôi, chuyên ngành Truyền nhiễm có xu hướng bị ghẻ lạnh”

Đại dịch Covid-19 đã qua đi, nhưng những ký ức kinh hoàng về sự càn quét của dịch bệnh vẫn còn là ám ảnh của toàn nhân loại. Và dường như sau đại dịch, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng thực sự của chuyên ngành Truyền nhiễm và các bác sĩ Truyền nhiễm trong công tác đào tạo nhân lực y tế hiện nay.

Truyền nhiễm - chuyên ngành được đánh giá nhiều nguy cơ, sự đãi ngộ về nghề nghiệp còn hạn chế nên ít sinh viên Y khoa theo học. Thế nhưng, đây lại là niềm đam mê không giới hạn với vị bác sĩ đặc biệt công tác tại Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Đứng trước những ngã rẽ lựa chọn chuyên ngành Bác sĩ nội trú khi kết thúc 6 năm học Bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, sau nhiều trăn trở, TS.BS Ngô Chí Cương quyết định chọn và gắn bó với chuyên ngành Truyền nhiễm.

“Ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, tôi đã được học và tiếp xúc với các mặt bệnh Truyền nhiễm và luôn cảm thấy có một niềm say mê đặc biệt. Mặc dù dễ lây truyền nhưng đây đều là các mặt bệnh có thể chữa khỏi và phòng ngừa được. Hơn nữa, tại Việt Nam là vùng khí hậu nhiệt đới khiến mô hình bệnh tật Truyền nhiễm đa dạng, mối nguy từ nhóm bệnh này còn rất lớn, người dân vẫn cần nhiều bác sĩ Truyền nhiễm”, bác sĩ Cương bộc bạch về sự lựa chọn của mình.

Thời điểm đó, các bạn cùng khóa anh thường chọn những chuyên ngành “hot” như Răng hàm mặt, Tim mạch, Ung bướu... còn Truyền nhiễm có xu hướng ít được chọn lựa hơn, hay nói vui rằng bị “ghẻ lạnh”.

Thế nhưng, nếu ai cũng sợ vất vả - nguy cơ, vậy ai sẽ lựa chọn chuyên ngành Truyền nhiễm? Câu hỏi đó thôi thúc anh nỗ lực học tập và cống hiến trọn vẹn, anh chia sẻ: “Tôi chưa từng ân hận về quyết định ấy!”.

TS.BS Ngô Chí Cương (ngoài cùng bên trái) trong chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện San Lazaro (Philippines).

TS.BS Ngô Chí Cương (ngoài cùng bên trái) trong chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện San Lazaro (Philippines).

Với trăn trở làm sao để phát triển chuyên ngành này hơn, những năm tháng trên giảng đường trường Y, thực hiện nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Nhật Bản và đến nay trở thành bác sĩ lâm sàng, nhà quản lý chuyên môn, Tiến sĩ Cương còn dành niềm say mê bất tận cho các công trình nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu của anh cùng cộng sự về các căn nguyên gây sốt, bệnh viêm gan virus, viêm màng não... mang tính thực tiễn cao, được nhiều Tạp chí Y khoa uy tín trên thế giới đăng tải.

Thay vì cứu sống một bệnh nhân, nếu làm tốt có thể cứu sống cả cộng đồng

Hiện nay, việc dự phòng bệnh thông qua tiêm chủng vaccine được thực hiện ngày càng tốt hơn, nhiều bệnh Truyền nhiễm có xu hướng giảm. Thế nhưng, như một quy luật tự nhiên, nhóm bệnh này không bao giờ hết được, những mầm bệnh mới xuất hiện, có thể gây bệnh cấp tính, dễ lây nhiễm, tử vong nhanh chóng và hàng loạt.

Tiến sĩ Cương trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Tiến sĩ Cương trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Có những căn bệnh Truyền nhiễm nguy hiểm tới mức nó đến một cách bất thình lình, không ai hiểu biết gì về nó. Điển hình như đại dịch Covid-19, TS.BS Ngô Chí Cương từng là một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Vị bác sĩ nhớ về giai đoạn đó với những cảm xúc không thể quên: “Chúng tôi loay hoay dò đường và tìm ra giải pháp tốt nhất cho người bệnh khi tiếp cận với một bệnh lý nguy hiểm mà hiểu biết chung trên thế giới phần nhiều vẫn là ẩn số”.

Với tính chất diễn biến cấp tính và lây lan nhanh chóng của bệnh Truyền nhiễm đặt ra áp lực với người thầy thuốc phải chữa trị kịp thời nhất cho người bệnh. Bởi, thay vì cứu sống một bệnh nhân, nếu làm tốt có thể cứu sống cả cộng đồng, đẩy lùi một đại dịch bùng phát.

Kỷ niệm khó quên về những bệnh nhân HIV đầu tiên

Khi còn là sinh viên Y khoa năm 4, đó là lần đầu tiên TS.BS Ngô Chí Cương tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV. Mặc dù các kiến thức trong trường đều khẳng định HIV không lây nhiễm qua đường hô hấp, nhưng anh cùng các bạn học không tránh khỏi tâm lý có phần “dè chừng”.

Tiến sĩ Cương thành thật chia sẻ, phải đến khi học nội trú, bản thân anh mới hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV. Những bệnh nhân HIV đầu tiên anh trực tiếp điều trị là các ca rất nặng, suy hô hấp, anh là người tận tay bóp bóng, ép tim níu giữ sự sống ở lại với họ thêm lần nữa.

“Nghĩa vụ của một bác sĩ là dùng hết tâm - trí - lực của mình cứu chữa bệnh nhân nên không thể len lỏi bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Riêng với bệnh nhân HIV, đôi khi sự thật đến bất ngờ, bầu trời như sụp đổ với họ, người thân họ chưa kịp thấu cảm, bác sĩ sẽ là người bạn tốt có thể bầu bạn với họ. Nhiều mối duyên đã khiến tôi có những bệnh nhân HIV trở thành bạn, tôi vẫn gặp gỡ, hàn huyên với họ...”.

Không nhắc đến chữ “mang ơn” khi chữa bệnh cứu người

Trong bất kỳ thời đại nào, những chiến sĩ khoác áo blouse trắng luôn được cả xã hội tôn vinh - một nghề cao quý của mọi nghề. Thế nhưng, vừa nhắc đến điều này, TS.BS Ngô Chí Cương lập tức khảng khái: “Tôi không muốn nhắc đến chữ ‘mang ơn’ khi chữa bệnh cứu người”.

Lý giải về điều này, anh chia sẻ, quãng thời gian 5 năm thực hiện nghiên cứu sinh tại Nhật Bản không chỉ giúp anh phát triển chuyên môn mà còn học tập được đức tính khiêm nhường của con người xứ sở mặt trời mọc: “Ở Nhật hay lắm, tình Thầy - trò, mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân gắn kết nhưng cũng rất nhẹ nhàng theo một cách riêng. Thầy giáo, bác sĩ luôn thể hiện thái độ cần bệnh nhân, cần học trò để phát triển, họ không đặt nặng về ‘ơn nghĩa’, không đặt nặng lời cảm ơn, những món quà hay tin nhắn chúc mừng vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm”.

Tiến sĩ Cương đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Tiến sĩ Cương đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Nhờ vậy mà tinh thần ấy luôn ngấm sâu trong lý tưởng làm nghề của vị bác sĩ. Không cần bệnh nhân phải thể hiện sự biết ơn với mình, anh mới ấn tượng, nhớ mặt:“Tôi sẵn sàng chia sẻ số điện thoại cá nhân, kết bạn trên tài khoản mạng xã hội để hỗ trợ bệnh nhân. Tôi luôn tâm niệm rằng, mang những điều tốt đẹp nhất đến cho người bệnh, người dân, còn cuộc đời trả lại điều gì ta đều hoan hỷ đón nhận”.

Hiện nay, công tác tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, song hành cùng công việc của một bác sĩ lâm sàng, TS.BS Ngô Chí Cương còn đảm nhiệm vai trò quản lý chuyên môn. Với cương vị là Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, anh hoạch định những chiến lược cụ thể phát triển sâu rộng chuyên ngành Truyền nhiễm và Y học nhiệt đới, cũng như Nội tổng hợp nói chung tại đây.

TS.BS Ngô Chí Cương trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

TS.BS Ngô Chí Cương trao đổi chuyên môn cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025), khi nhắc đến đây, Tiến sĩ Cương chỉ cười nhẹ nhàng: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là một ngày bình thường như bao ngày. Tôi đang điều trị một bệnh nhân sốt cao nhiều ngày, suy hô hấp nặng vì viêm màng não, hiện tại đã cắt sốt nhưng chỉ số xét nghiệm chưa ổn định. Khi nào bệnh nhân đó ổn, với tôi đó mới là ngày đặc biệt”.

Bên kia cánh cửa bệnh viện, còn đó những nỗi niềm, trăn trở hết lòng vì bệnh nhân của người thầy thuốc với trái tim nhân ái. Xin dành lời tri ân chân thành nhất cho những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm cống hiến thầm lặng, tận tụy cho từng giấc mơ sức khỏe của nhân dân.

PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tsbs-ngo-chi-cuong-nguoi-nang-long-voi-chuyen-nganh-truyen-nhiem-va-noi-khong-khi-nhac-den-hai-chu-mang-on-post540730.html