Phát triển nguồn nhân lực cho tái chế vật liệu xây dựng

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ thi công xây dựng các công trình tại Hà Nội ngày càng lớn. Điều này đặt ra bài toán về các loại vật liệu mới, tái chế, thông minh phù hợp với kiến trúc hiện đại thay thế cho các loại VLXD truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu này, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất.

Tấm bê tông phục vụ thi công vỏ hầm của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà nội được đặt hàng riêng. Điểm khác biệt nằm ở chỗ thành phần cấu tạo của nó có cát nhân tạo.

Ông Nguyễn Văn An, Phó TGĐ Công ty CP Kết cấu bê tông Châu Âu Nam, Tập đoàn Amaccao, cho biết: “Vật liệu có đặc thù cao hơn, do yêu cầu của dự án đòi hỏi khả năng chống thấm lớn, cốt thép CB500, bình thường chỉ là CB300. Vỏ hầm này được đặt riêng, chứ không phổ thông trên thị trường. Quy trình sản xuất từ khâu vật liệu đến khâu gia công tấm, yêu cầu về độ kiểm soát rất cao, dung sai chỉ tối đa 0.5mm, không sử dụng cát tự nhiên mà sử dụng cát nhân tạo”.

Nhu cầu về vật liệu xây dựng của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước.

Nhu cầu về vật liệu xây dựng của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước.

Nhu cầu về vật liệu xây dựng (VLXD) của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước. Trong khi đó, vật liệu xây dựng truyền thống khai thác từ nguồn khoáng sản tự nhiên ngày càng hạn chế.

Do đó, để chủ động được nguồn cung, nghiên cứu phát triển sản xuất vật liệu tái chế, các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng mới là định hướng lâu dài của Hà Nội. Việc này không quá khó, nhưng cần hành lang pháp lý cụ thể.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết: “Cần có tư duy thực hiện như thế nào, ví dụ muốn có tái chế để sử dụng thì phải xây dựng cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý. Để thực hiện hành lang pháp lý đấy, lại cần xây dựng quy hoạch”.

Nguồn khoáng sản làm vật liệu của thành phố không nhiều.

Nguồn khoáng sản làm vật liệu của thành phố không nhiều.

Để làm ra được những tấm bê tông của vỏ hầm đường sắt đô thị, nguồn vốn chưa phải là yếu tố quan trọng nhất, mà đòi hỏi một đội ngũ nhân lực đủ tốt về công nghệ.

Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết: “Cần có đội ngũ nhân lực có thể hấp thụ được các công nghệ mới. Bởi khi áp dụng vật liệu mới đòi hỏi các tính năng kỹ thuật mới, nó đòi hỏi đội ngũ tư vấn của chủ đầu tư phải rất sâu sắc, đồng thời nâng cao trình độ”.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: “Hiện nhà trường đang đào tạo chuyên sâu từ hệ đại học đến sau đại học, từ khâu quản lý đến khâu công nghệ. Từ đó chuyên gia được đào tạo ở trình độ cao có thể ứng dụng công nghệ, biến phế thải xây dựng thành vật liệu mới”.

Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng hơn 4 nghìn tấn rác thải xây dựng.

Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng hơn 4 nghìn tấn rác thải xây dựng.

Mỗi ngày, Hà Nội có khoảng hơn 4 nghìn tấn rác thải xây dựng. Nếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và ứng dụng công nghệ cao, chính nguồn thải xây dựng này sẽ là tài nguyên để sản xuất vật liệu tái chế, vật liệu xây dựng mới.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phat-trien-nguon-nhan-luc-cho-tai-che-vat-lieu-xay-dung-262929.htm