Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia: Tăng hiệu quả thực thi các FTA

Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng một Chương trình với các trường để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA.

Bộ Công Thương kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác châu Âu để mở rộng thị trường xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Công Thương kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác châu Âu để mở rộng thị trường xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực thi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách của Việt Nam, tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam...

Mặc dù vậy, những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên được cho là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia: Tăng hiệu quả thực thi các FTA,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 13/11, tại Hà Nội.

Tỷ lệ tận dụng nhiều FTA còn hạn chế

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã và đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có ba hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tư do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Thời gian vừa qua Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành cùng nhau để có thể nâng cao hiệu quả thực thi các FTA này.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng các FTA này còn tương đối hạn chế. Với những FTA có những kết quả tốt như EVFTA cũng chỉ đạt được ở mức khoảng 26% hoặc những FTA như CPTPP thì chỉ ở mức 5%.

Bà Phương cho rằng một trong những nguyên nhân vô cùng quan trọng chính là lực cản về nguồn nhân lực, khi khó khăn ở cả cấp độ Trung ương, cấp độ tỉnh, thành vàdoanh nghiệp.

Dẫn ví dụ tại Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, mặc dù chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA nhưng đơn vị chuyên trách này cũng chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi và quá trình thực thi phải liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau. Trong khi đó, những công việc trên đòi hỏi một lực lượng chuyên trách đông hơn để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp.

 Đào tạo nguồn nhân lực để nắm rõ việc thực thi các FTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đào tạo nguồn nhân lực để nắm rõ việc thực thi các FTA. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn ở cấp độ địa phương, qua khảo sát thực tế, có tỉnh thành chỉ có từ 5-7 nhân sự nhưng có những tỉnh, thành chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.

“Việc chưa có đủ nhân sự ở các tỉnh, thành về nội dung FTA là một trở ngại rất lớn, bản thân các nhân sự đã kiêm nhiệm thì họ cũng chưa có điều kiện để được đào tạo chuyên sâu về các nội dung cam kết FTA và nếu như các chuyên gia, các cán bộ nhân sự trực tiếp làm FTA ở các địa phương chưa hiểu rõ về nội dung cam kết thì sẽ rất khó phối hợp trong những kế hoạch hành động của Chính phủ hoặc kế hoạch hành động của địa phương đưa ra nhưng triển khai đủ quyết liệt để có thể đạt được những kết quả nhất định,” bà Phương nêu thực tế.

Với các doanh nghiệp, để tận dụng hiệu quả các FTA đòi hỏi phải có bộ phận chuyên môn rất lớn. Bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Càphê Detech chia sẻ, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn về tìm kiếm các chuyên gia để đào tạo cho đội ngũ nhân sự của bộ phận xuất nhập khẩu.

“Thực tế là trong quá trình làm thì bộ phận nhân sự chỉ có thể nắm bắt được về các chuyên môn thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng. Còn cụ thể về kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia của FTA, chúng tôi đang vướng mắc vấn đề đó,” bà Lê Thị Hằng nói.

Tăng nhân sự làm chuyên trách công tác FTA

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn hay chuyên gia để thực thi các FTA là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới.

Bà Hồ Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do (KTPC) khuyến nghị các doanh nghiệp dành một khoản chi phí để vận hành hoặc thuê một bên đơn vị nghiên cứu thị trường, đánh giá rủi ro việc nên tiếp tục đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường này không hay có thể thị trường đấy hiện giờ không phù hợp với quy mô sản xuất, nguồn hàng của doanh nghiệp, từ đó cân nhắc những thị trường nhỏ hơn, tiếp thu kinh nghiệm để khi có vốn sẽ đầu tư để mở rộng thị trường…

Còn theo ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi liên quan đến đội ngũ nhân lực, chuyên gia thì đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về FTA, tăng cường bổ sung nguồn nhân lực cho các cán bộ, chuyên gia tìm hiểu về FTA, giúp mở rộng số lượng người có thể đào tạo về nội dung này tại các địa phương.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA đã được triển khai, trong đó, liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng một chương trình với các trường đại học và cao đẳng để hỗ trợ cho các địa phương và các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn FTA.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các FTA.

 Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn hay chuyên gia để thực thi các FTA là hết sức cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. (Ảnh: PV/Vietnam+

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn hay chuyên gia để thực thi các FTA là hết sức cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. (Ảnh: PV/Vietnam+

Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho hay, hiện nay, Vụ đang phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương của Bộ Công Thương xây dựng một khung tài liệu đào tạo về các chuyên gia FTA và năm 2023, đơn vị hướng đến xây dựng tài liệu đào tạo cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và phát triển bền vững.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã có kế hoạch để đưa ra những chương trình đào tạo tổng thể và rất bài bản cũng như cụ thể cho từng lĩnh vực để có thể đáp ứng được nội dung. Ngoài ra, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, năm 2023 Bộ Công Thương sẽ bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức và tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp có nhu cầu.

“Chúng ta đào tạo nhân sự lâu dài cho cơ quan quản lý cấp địa phương cũng như doanh nghiệp phải xác định rằng sản phẩm, tức là các bạn sinh viên ra trường có thể vào làm việc ngay lập tức ở những cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương về chuyên gia FTA cũng như là ở doanh nghiệp,” bà Lan Phương nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chuyen-gia-tang-hieu-qua-thuc-thi-cac-fta-post907696.vnp