Phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao

BHG - Trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng xác định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao chính là đột phá chiến lược, yếu tố quyết định, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thấm nhuần quan điểm này, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo đó, tỉnh ta đã kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với quan điểm xuyên suốt: Không sáp nhập, giải thể một cách cơ học; chỉ tổ chức sắp xếp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở GDNN, giảm 5 đơn vị so với năm 2014. Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề theo quy định của Bộ Lao động – TB&XH, UBND tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho người dạy nghề, tập huấn phương pháp giảng dạy tích hợp, chuyển đổi chương trình, đánh giá bài giảng cho gần 1.800 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo; mở 4 khóa học miễn phí về chuyển đổi số trong GDNN cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên, học viên đang công tác và học tập tại các cơ sở GDNN trên nền tảng trực tuyến Atingi.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang thực hành sửa chữa ô tô.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang thực hành sửa chữa ô tô.

Đi liền với tinh gọn bộ máy, các cơ sở GDNN chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Đặc biệt, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, trang bị hành trang về môi trường làm việc tương lai cho người học, trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN đưa hơn 500 lượt học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập, trải nghiệm công việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã bố trí nguồn kinh phí hơn 167,7 tỷ đồng để các cơ sở GDNN công lập thực hiện hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển 10 nghề trọng điểm quốc gia như: Kỹ thuật xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, công nghệ ô tô, may thời trang... Không những vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng ngành nghề đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang thành lập phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, hợp tác với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật – Việt, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Ý Đức (Trung Quốc) về một số nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Còn Trường Trung cấp Y tế Hà Giang liên kết với Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; Cao đẳng Y tế Hà Đông; Cao đẳng Dược T.Ư Hải Dương mở các lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng cho 1.260 sinh viên. Riêng UBND các huyện, thành phố phối hợp với Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng nghề Việt – Hàn tuyển sinh, đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho 3.351 người (hệ sơ cấp) với các nghề đào tạo như: Khai thác mỏ, cơ điện mỏ, xây dựng mỏ…

Hội chợ giới thiệu việc làm huyện Bắc Quang giúp nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Hội chợ giới thiệu việc làm huyện Bắc Quang giúp nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Cũng trong giai đoạn trên, toàn tỉnh tuyển sinh được hơn 13.400 người hệ trung cấp, cao đẳng, đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, thông qua hoạt động tư vấn, liên kết, giới thiệu việc làm của các cơ sở GDNN, trên 70% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm. Một số ngành, nghề như công nghệ ô tô, điện công nghiệp, vận hành nhà máy thủy điện, chăn nuôi thú y, tỷ lệ người học sau đào tạo có việc làm lên đến hơn 90%. Nhiều học sinh, sinh viên nghề vận hành nhà máy thủy điện sau khi ra trường được doanh nghiệp địa phương như: Nhà máy thủy điện Nậm Mu, Thái An, Nho Quế, Sông Miện tuyển dụng với mức lương từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Không ít học sinh, sinh viên nghề chăn nuôi có việc làm tại Công ty TNHH Dinh dưỡng Phú Sỹ (tỉnh Hưng Yên), Công ty Cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh (tỉnh Bắc Ninh) với thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên nghề điện dân dụng, công nghệ ô tô… được nhận vào làm việc tại các xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô, cửa hàng sửa chữa điện tử trên địa bàn tỉnh. Một số em sau khi đi làm, có tay nghề cao đã tự mở xưởng sửa chữa ôtô, cửa hàng kinh doanh điện tử; không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Thông qua những giải pháp đồng bộ của tỉnh về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề của khu vực doanh nghiệp. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là chương trình xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh; đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/phat-trien-nguon-nhan-luc-co-tay-nghe-cao-7e94536/