Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của 4 Nghị quyết trụ cột
Ngày 07/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì cuộc họp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VPQH
Nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” cho thấy, chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.
Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng nhận định, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,...
Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn.
Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả.
Cùng với đó, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực song còn chậm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao. Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm
Tại cuộc họp, các thành viên của Đoàn giám sát đã đóng góp ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng như Dự thảo Nghị quyết giám sát.
Theo đó, để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo về nguồn nhân lực và đề xuất chính sách, lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chỉ đạo các cơ quan triển khai chương trình truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức xã hội, nhấn mạnh giá trị của phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng thực tiễn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: VPQH
Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần có sự gắn kết chặt chẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong theo dõi, dự báo, quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành các cơ sở dữ liệu về lao động, quản lý lao động khu vực công và tư gắn kết, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ việc hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, các thành viên Đoàn giám sát nhấn mạnh, việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cần bám sát với 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Đoàn giám sát - khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành nghề còn nhiều.
Nguyên nhân là do việc đào tạo còn chưa gắn liền với thực tế sử dụng lao động. Chương trình giảng dạy ở cấp đại học còn chưa gắn liền giữa lý thuyết với thực hành. Chất lượng giảng dạy của giảng viên cơ hữu vẫn còn yếu. Cơ sở vật chất để sinh viên thực hành còn hạn chế...
Để tạo phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế trên; đồng thời phải có dự báo về ngành nghề, nguồn nhân lực đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng trên thị trường. Bên cạnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cần bám sát yêu cầu của 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành.
Dự kiến, báo cáo kết quả giám sát và Dự thảo Nghị quyết giám sát sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét trong Phiên họp tháng 7 này.