Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc THPT và giáo dục nghề nghiệp, là một trong 3 khâu đột phá được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Bước đột phá chất lượng giáo dục phổ thông
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng lớn để các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện. Với quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tỉnh ta tập trung các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Quy mô mạng lưới, trường lớp được sắp xếp, củng cố và phát triển. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, bổ sung đồng bộ và từng bước hiện đại đã cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Trong đó phòng học kiên cố đạt 69,7%; tăng 4,9% so với năm 2020. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn ngành Giáo dục – Đào tạo có hơn 22.400 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó có 0,01% cán bộ giáo viên trình độ tiến sỹ, 1,86% thạc sỹ, 69,6% trình độ đại học, 21,9% trình độ cao đẳng và 6,7% trình độ trung cấp. Toàn tỉnh có 325/598 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 54,3%.
Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, cho biết: Với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững, ngành Giáo dục & Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: Triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các hoạt động tổ chức sinh hoạt theo tổ chuyên môn hoặc sinh hoạt chuyên môn theo cụm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phát huy trí tuệ của đội ngũ giáo viên được chú trọng. Sở xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý chất lượng IMS tích cực ISO 9001:2015 (QMS) và ISO 21001:2018 (EOMS) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục & đào tạo; là cơ quan giáo dục & đào tạo đầu tiên của cả nước đang áp dụng, vận hành hệ thống quản lý tích hợp QMS và EOMS.
Với những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến tích cực, thể hiện qua những con số ấn tượng, như: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 đạt 98,34%; có 27/54 trường và trung tâm đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Năm học 2020-2021 có 666 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 15 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, là năm thứ 2 liên tiếp sau 10 năm tỉnh Sơn La đạt trên 10 giải học sinh giỏi quốc gia; xếp 23/63 tỉnh về số lượng và chất lượng giải - kết quả cao nhất trong 10 năm trở lại đây của tỉnh...
Đào tạo nghề gắn với việc làm
Việc sắp xếp, tổ chức hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao là nội dung quan trong khi thực hiện Nghị quyết số 09. Đồng chí Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Sơn La đã thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, đầu mối trung gian, đầu mối bên trong, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, ngoài Trường Đại học Tây Bắc thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (so với năm 2018, giảm 1 trường cao đẳng, 1 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề; giảm 1 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, 21 lãnh đạo cấp phòng và tương đương). Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, nâng cấp; các hình thức đào tạo, liên kết đào tạo được mở rộng, linh hoạt, góp phần tạo nguồn cung cấp lao động có trình độ tay nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được được triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững; chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện và nâng cao. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho hơn 18.000 người lao động, trong đó có hơn 11.400 lao động nông thôn được đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, trong đó 22% được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển chọn, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có việc làm ổn định, phù hợp với trình độ, tay nghề đã được đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp. Trong năm qua, có hơn 10.000 lượt người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm; kết nối làm việc cho 1.446 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước.
Từ nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã cho vay hơn 101 tỷ đồng với 2.125 dự án tạo việc làm cho gần 2.230 lao động. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo thêm việc làm mới, trong năm qua đã hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 20.012 người...
Tháo gỡ khó khăn, phát triển nguồn nhân lực
Theo thống kê, hiện tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của tỉnh còn cao, chiếm 43%; tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng chứng chỉ thấp, chiếm 22%; thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, năng suất lao động chưa cao; xuất khẩu lao động ra nước ngoài kết quả còn hạn chế; chính sách thu hút nhân tài còn bất cập, chưa thực sự hấp dẫn người tài làm việc và gắn bó lâu dài. Việc hợp tác, gắn kết giữa cơ sở giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp, HTX còn hạn chế; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển, song khả năng thu hút người lao động tham gia học tập còn chưa cao; một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhịp phát triển và theo yêu cầu của các ngành, các lĩnh vực kinh tế...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có 376 doanh nghiệp, HTX, các đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng gần 1.300 lao động với các trình độ khác nhau và lao động giản đơn trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và dịch vụ, nhưng chưa tuyển được số lượng theo nhu cầu. Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trong tỉnh ngay sau khi học xong; kết nối doanh nghiệp với cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình liên kết đào tạo, tìm kiếm các ứng viên có năng lực, tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động thông tin về thị trường lao động của tỉnh để người lao động có thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn đào tạo ngay tại tỉnh.
Tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn lực. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nguồn lực; cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tăng cường huy động, thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo; sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường lao động, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động...
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tin rằng nguồn nhân lực của tỉnh tiếp tục nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.