Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp và logistics tỉnh Lào Cai (mới) giai đoạn 2025 – 2045

Việc sáp nhập Yên Bái vào Lào Cai mở ra một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc không gian phát triển, tạo nên một vùng kinh tế động lực mới ở thượng nguồn sông Hồng, có vai trò 'cửa ngõ ASEAN' kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á.

LỜI TÒA SOẠN:

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, tỉnh Lào Cai đang tập trung phát triển công nghiệp và logistics, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Tỉnh đã và đang thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và logistics hiện đại, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp lớn như Tằng Loỏng – Bảo Thắng, Đông Phố Mới và Bắc Duyên Hải. Lào Cai cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về nhân lực logistics biên mậu, công nghiệp thông minh và dịch vụ chuỗi cung ứng xuyên Á.

Một trục động lực mới đang mở ra những thời cơ vàng cho vùng kinh tế Tây Bắc Việt Nam vươn tầm khu vực, Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm, đóng vai trò “cửa ngõ ASEAN” kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á. Trong đó, logistics đóng vai trò then chốt trong việc kết nối các mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng, đảm bảo dòng chảy hàng hóa hiệu quả và góp phần quan trọng vào sự thành công của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng tiếp tục giới thiệu Bài 5 trong chuyên đề dài kỳ của TS, Luật sư, Doanh nhân, Phạm Hồng Điệp - về "Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp và logistics tỉnh Lào Cai (mới) giai đoạn 2025 – 2045".

Sau khi sáp nhập Yên Bái – Lào Cai, tỉnh mới có quy mô địa bàn rộng lớn tiện tích 13,256.92 km², dân số 1.66 triệu người, đa dạng dân tộc, địa hình đồi núi hiểm trở, nhưng lại có tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác, công nghiệp sinh thái, logistics và du lịch quốc tế. Việc sáp nhập Yên Bái vào Lào Cai mở ra một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc không gian phát triển, tạo nên một vùng kinh tế động lực mới ở thượng nguồn sông Hồng, có vai trò “cửa ngõ ASEAN” kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á.

Trong bối cảnh tỉnh định hướng trở thành “Thành phố ASEAN bản sắc Việt Nam”, nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định để thu hút đầu tư FDI, công nghiệp công nghệ cao; Giữ chân dân cư bản địa, phát triển bền vững; Phát triển kinh tế vùng biên, logistics xuyên quốc gia.

I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng chuyên môn cao, am hiểu công nghệ và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, cơ khí – điện tử và dịch vụ logistics, đưa Lào Cai trở thành trung tâm logistics và công nghiệp chế biến của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Lào Cai hội tụ các loại hình giao thông đảm bảo kết nối vùng và kết nối quốc tế

Lào Cai hội tụ các loại hình giao thông đảm bảo kết nối vùng và kết nối quốc tế

Phát triển hệ sinh thái đào tạo, sử dụng, giữ chân nguồn nhân lực công nghiệp – logistics – công nghệ số phù hợp điều kiện miền núi, dân tộc thiểu số, để đến năm 2045 Lào Cai có lực lượng lao động tay nghề cao và nhân lực trí tuệ bản địa có thể tự chủ sản xuất công nghiệp, vận hành logistics và tiếp cận công nghệ mới.

2.Mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn

- Giai đoạn 2025 – 2030: Đào tạo và phát triển ít nhất 25.000 lao động kỹ thuật chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp và logistics. Hoàn thiện và vận hành hiệu quả tam giác đào tạo nghề chất lượng cao Tây Bắc (TP. Lào Cai – Văn Bàn – Trấn Yên); 100% cơ sở đào tạo nghề được số hóa quản lý và ứng dụng công nghệ thông minh trong đào tạo. Xây dựng hệ sinh thái đào tạo – thực hành gắn với doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, trung tâm logistics.

- Giai đoạn 2031 – 2040: Đào tạo nâng cao và tái đào tạo ít nhất 50.000 lao động công nghiệp – logistics có trình độ trung cấp trở lên. Mỗi năm có tối thiểu 500 sinh viên – học viên tốt nghiệp từ các chương trình liên kết quốc tế phục vụ công nghiệp và logistics. Hình thành và duy trì lực lượng chuyên gia trẻ, kỹ sư thực hành trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí, logistics, tự động hóa, CNTT. Đưa Lào Cai trở thành trung tâm đào tạo nghề công nghiệp – logistics cấp vùng, kết nối với Trung Quốc và ASEAN.

- Giai đoạn 2041 – 2045: Hoàn thiện hệ thống đào tạo theo chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu lao động kỹ thuật chất lượng cao sang các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong ngành công nghiệp – logistics đạt trên 85%. Lào Cai trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về nhân lực logistics biên mậu, công nghiệp thông minh và dịch vụ chuỗi cung ứng xuyên Á.

II. THÁCH THỨC CẦN GIẢI QUYẾT

Các thách thức chủ yếu cần giải quyết để phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2025–2045, trong bối cảnh sáp nhập và định hướng trở thành “Thành phố ASEAN bản sắc Việt”:

1.Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu đồng đều

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn dưới 25% (năm 2023), thấp hơn mức trung bình cả nước.

- Số lượng lao động chất lượng cao (STEM, công nghệ, logistics, ngoại ngữ) còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt trong các ngành dịch vụ chiến lược (du lịch, logistics, thương mại biên giới).

- Nhiều cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

2.Thiếu liên kết giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động

- Chưa có cơ chế hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp – cơ sở đào tạo – chính quyền, dẫn đến tình trạng “thừa thầy – thiếu thợ”.

- Đào tạo nghề chủ yếu vẫn theo mô hình cũ, chưa gắn với ngành mũi nhọn như logistics biên giới, du lịch ASEAN, nông nghiệp công nghệ cao.

3. Hạn chế trong thu hút – giữ chân nhân lực chất lượng cao

- Lào Cai là tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn, nên khó thu hút giáo viên giỏi, chuyên gia công nghệ, cán bộ cấp cao từ trung ương và các đô thị lớn.

- Cơ chế đãi ngộ hiện hành chưa đủ hấp dẫn; môi trường sống, điều kiện làm việc còn chưa đồng bộ.

4. Cơ cấu lao động chưa hợp lý

- Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao (~55%), trong khi các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ) lại thiếu lao động kỹ năng.

- Lao động trẻ vùng dân tộc thiểu số vẫn tập trung vào lao động giản đơn, tự phát, ít được hướng nghiệp.

5. Thiếu hụt kỹ năng mềm, ngoại ngữ và năng lực hội nhập

- Phần lớn lao động chưa thành thạo ngoại ngữ (tiếng Trung, tiếng Anh ASEAN), hạn chế lớn cho việc phát triển dịch vụ du lịch biên giới, logistics quốc tế, thương mại số.

- Kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp – hội nhập quốc tế còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mở.

6. Cơ sở vật chất giáo dục – đào tạo còn yếu

- Một số trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên còn thiếu thiết bị thực hành, đội ngũ giảng viên chưa được chuẩn hóa.

- Thiếu trung tâm đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực chiến lược như: logistics, thương mại biên giới, công nghệ số.

7. Khoảng cách phát triển giữa các vùng

- Vùng thành thị (TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa) có mức tiếp cận giáo dục và kỹ năng cao hơn vùng sâu, vùng xa (Bát Xát, Si Ma Cai…).

- Thiếu cơ chế đặc thù phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số, dù đây là lực lượng trẻ, tiềm năng.

- Dân cư phân tán, trình độ phổ thông thấp khó tuyển dụng lao động học kỹ thuật.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1. Phát triển nguồn nhân lực toàn diện, chất lượng cao, thích ứng nhanh với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Tập trung đào tạo nhân lực có kỹ năng thực hành tốt, tư duy đổi mới – sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ và ngoại ngữ.

- Ưu tiên phát triển nhân lực cho các ngành kinh tế trụ cột: công nghiệp chế biến, logistics – cửa khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái – văn hóa, thương mại biên giới, kinh tế số.

2. Xây dựng hệ sinh thái giáo dục – đào tạo nghề nghiệp gắn với thị trường lao động

- Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuyên ngành – liên kết vùng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong đào tạo.

- Phát triển mô hình “tam giác đào tạo nghề chất lượng cao vùng Tây Bắc” (TP. Lào Cai – Văn Bàn – Trấn Yên).

- Đẩy mạnh hình thức đào tạo gắn với thực tiễn doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng.

3. Thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý nguồn nhân lực

- Áp dụng công nghệ số trong xây dựng nền tảng đào tạo, quản lý, đánh giá năng lực và kết nối cung – cầu lao động.

- Phổ cập kỹ năng số, kỹ năng mềm cho người lao động, nhất là thanh niên vùng cao, người dân tộc thiểu số.

4. Phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia chiến lược phục vụ chính quyền số, đô thị thông minh và hội nhập quốc tế

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên gia về quy hoạch, ngoại ngữ, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin, chính sách công.

- Hình thành nhóm “hạt nhân nguồn nhân lực chiến lược” để lãnh đạo, điều hành phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn.

5. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Thiết kế chính sách đặc thù để phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị và kinh tế địa phương.

- Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng số và hỗ trợ khởi nghiệp tại vùng khó khăn.

6. Mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo và sử dụng nhân lực

- Thiết lập các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi chuyên gia và du học theo hướng phục vụ ngành nghề trọng điểm của tỉnh.

- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp FDI, tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và tiếp cận chuẩn quốc tế.

7. Phân loại nhân lực để đào tạo

- Phân loại nhân lực theo 3 cấp độ:

+ Lao động kỹ thuật tay nghề cao: vận hành máy móc, điều khiển thiết bị, chế biến sâu, kỹ thuật điện, cơ khí.

+ Kỹ sư – quản lý trung cấp: điều hành dây chuyền sản xuất, quản trị logistics, giám sát chất lượng.

+ Nhân lực chất xám công nghệ cao: thiết kế, nghiên cứu ứng dụng, quản trị công nghệ số.

- Phân vùng đào tạo nhân lực:

+ Vùng Trung tâm – Đào tạo tổng hợp, chất lượng cao, liên kết quốc tế (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa) với định hướng đào tạo: Trung tâm đào tạo tổng hợp về công nghiệp, logistics, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, thương mại biên giới; Đào tạo nhân lực phục vụ đô thị thông minh, chính quyền số, du lịch cao cấp, quản lý khu kinh tế cửa khẩu; Liên kết với các trường đại học quốc gia, quốc tế, các doanh nghiệp FDI và tổ chức phát triển để triển khai chương trình đào tạo chuẩn quốc tế.

+ Vùng Công nghiệp – Đào tạo kỹ thuật ứng dụng và kỹ năng nghề thuộc địa bàn Văn Bàn, Bảo Thắng, Trấn Yên (Yên Bái) với định hướng đào tạo: Đào tạo nghề kỹ thuật cao, gắn với các ngành: cơ khí, điện – điện tử, tự động hóa, chế biến khoáng sản, vận hành dây chuyền sản xuất; Xây dựng các trung tâm thực hành kỹ thuật tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, khu công nghiệp mới Văn Bàn – Trấn Yên; Đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

+ Vùng Nông – Lâm nghiệp công nghệ cao (Bảo Yên, Văn Yên, Văn Bàn) định hướng đào tạo: Đào tạo kỹ thuật viên nông nghiệp số, trồng trọt – chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, phân tích dữ liệu canh tác; Hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, kỹ năng quản lý nông trại thông minh; Phối hợp với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp để mở lớp đào tạo tại chỗ, thực hành trực tiếp trên mô hình sản xuất.

+ Vùng Du lịch – Văn hóa – Dịch vụ (Sa Pa, Bắc Hà, Mù Cang Chải: Đào tạo nhân lực phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch cao cấp và văn hóa dân tộc; Tập trung kỹ năng giao tiếp đa ngôn ngữ, quản lý nhà hàng – khách sạn, hướng dẫn viên chuyên nghiệp; Đào tạo nghề kết hợp bảo tồn văn hóa, phát triển bản sắc dân tộc kết hợp làm du lịch.

+ Vùng Dân tộc thiểu số và vùng cao – Đào tạo cơ bản, đa kỹ năng (Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Trạm Tấu: Ưu tiên đào tạo nghề ngắn hạn, kỹ năng cơ bản: cơ khí sửa chữa, điện dân dụng, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật nông lâm cơ bản; Tăng cường phổ cập kỹ năng số, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp nhỏ tại cộng đồng; Chính sách đặc thù hỗ trợ học nghề, học bổng, liên kết học sinh – doanh nghiệp sau đào tạo.

- Du lịch – nông nghiệp công nghệ cao Sa Pa, Mù Cang Chải, Văn Yên gắn du lịch, vùng sản xuất đặc thù.

III. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Thiết lập “Tam giác đào tạo nghề chất lượng cao vùng Tây Bắc” :

Tam giác đào tạo nghề chất lượng cao vùng Tây Bắc gồm thành phố Lào Cai – Yên Bái – Văn Bàn (hoặc Trấn Yên) để phát triển 3 trung tâm đào tạo nghề liên kết – chuyên sâu theo cụm ngành:

- Cụm ngành Trung tâm đào tạo đề xuất Logistics – cửa khẩu – vận hành thiết bị tại thành phố Lào Cai có vị trí chiến lược gần cửa khẩu, ga đường sắt.

- Cơ khí – điện tử – chế biến công nghiệp Văn Bàn, Trấn Yên có vị trí chiến lược gần Khu công nghiệp, khu sản xuất.

- Du lịch – nông nghiệp công nghệ cao Sa Pa, Mù Cang Chải, Văn Yên gắn du lịch, vùng sản xuất đặc thù

Các trung tâm đào tạo nghề cần liên kết với doanh nghiệp đầu tư FDI để đào tạo theo đơn đặt hàng và áp dụng mô hình trường nghề – doanh nghiệp “sát sườn”, có học xong là đi làm ngay.

2. Chính sách đặc biệt cho lao động dân tộc thiểu số và vùng cao:

- Chính sách tuyển sinh và đào tạo ưu tiên: Ưu tiên chỉ tiêu đào tạo nghề cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số và hộ nghèo vùng cao; Miễn 100% học phí và lệ phí tuyển sinh đối với học viên DTTS học nghề tại các trung tâm công lập; Áp dụng chính sách “một nghề – một học sinh”: mỗi học viên được hỗ trợ tối thiểu 1 nghề có chứng chỉ quốc gia.

- Chính sách hỗ trợ tài chính & an sinh: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu 1,5 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian học nghề (tối đa 24 tháng); Cấp vé tàu/xe 2 chiều/năm cho học sinh vùng sâu về thăm gia đình; cấp học bổng 100% và hỗ trợ bảo hiểm y tế 100% và ưu tiên chăm sóc y tế dự phòng tại các trung tâm đào tạo.

- Chính sách đầu ra – kết nối việc làm: Ký kết hợp tác 3 bên giữa Trung tâm đào tạo – Doanh nghiệp – Chính quyền để cam kết đầu ra việc làm cho học viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp; Tổ chức “Tuần lễ việc làm vùng cao” hàng năm, với sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, nông nghiệp, du lịch, chế biến; Thiết lập chỉ tiêu tuyển dụng riêng trong các doanh nghiệp FDI/KCN dành cho lao động vùng cao.

- Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp – quay về bản: Cấp gói hỗ trợ vay khởi nghiệp đặc biệt 50–100 triệu đồng/người cho thanh niên dân tộc học nghề xong về địa phương sản xuất; Ưu tiên cho vay vốn tín dụng lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia việc làm, Quỹ dân tộc; Hỗ trợ thuê đất sản xuất hoặc thuê mặt bằng kinh doanh với giá ưu đãi trong 5 năm đầu.

- Hạ tầng đào tạo và tiếp cận: Triển khai mô hình “đưa trường học đến bản” – tổ chức lớp nghề lưu động tại các xã vùng cao 2–3 tháng/học kỳ; Thiết lập khu nội trú vùng kỹ năng công nghiệp cho học sinh xa vùng lõi (có ký túc xá – đào tạo – thực hành – tuyển dụng tại chỗ).

3. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trí thức trẻ :

- Định hướng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh:

+ Gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của các ngành kinh tế mũi nhọn như: logistics – cửa khẩu, công nghiệp chế biến – cơ khí, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái – văn hóa, kinh tế số.

+ Thiết lập mô hình liên kết “3 nhà” (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) trong đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực.

+ Hình thành các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao tại TP. Lào Cai, Văn Bàn, Sa Pa; liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đầu ra.

+ Hợp tác với các trường ĐH lớn: Bách Khoa, Học viện Nông nghiệp, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Logistics Việt Nam, để mở phân hiệu đào tạo – liên kết 3+1 tại Lào Cai.

- Thu hút, đào tạo và phát huy đội ngũ trí thức trẻ vì sự phát triển bền vững của tỉnh:

+ Triển khai chương trình “Trí thức trẻ khởi nghiệp – sáng tạo vì Lào Cai phát triển xanh và hội nhập”.

+ Xây dựng cơ chế “đặt hàng” đào tạo sinh viên xuất sắc các ngành chiến lược, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia trẻ cho tỉnh.

+ Có chính sách thu hút con em Lào Cai học tập ở các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước trở về công tác, cống hiến lâu dài.

+ Chương trình “Kỹ sư Lào Cai hội nhập ASEAN”: Đào tạo 1.000 kỹ sư trẻ Lào Cai/Yên Bái có thể làm việc trong môi trường quốc tế (Tiếng Trung, Tiếng Anh, công nghệ số).

+ Hợp tác với doanh nghiệp logistics (Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, các hãng tàu ASEAN) để huấn luyện học sinh trung cấp chuyên ngành “Giao nhận – Vận tải quốc tế”.

- Đào tạo cán bộ quản lý và chuyên gia chiến lược phục vụ mô hình chính quyền đô thị và phát triển thành phố ASEAN:

+ Xây dựng chương trình “Lãnh đạo trẻ Lào Cai 2030” để phát hiện, đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

+ Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản trị đô thị thông minh, thương mại quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ số, quy hoạch phát triển bền vững.

+ Cử cán bộ đi học tập, trao đổi, thực tập tại các địa phương, quốc gia có mô hình tương đồng với định hướng phát triển của Lào Cai.

-Cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhân tài:

+ Ban hành chính sách đặc biệt cho lao động người dân tộc thiểu số và vùng cao: hỗ trợ học nghề, đào tạo nâng cao kỹ năng, ưu tiên tuyển dụng vào các vị trí phù hợp.

+ Xây dựng quỹ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo dành cho trí thức trẻ.

+ Thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời cho đội ngũ chuyên gia, trí thức có nhiều đóng góp; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, phát triển bền vững.

4.Chính sách giữ chân – hồi hương – khởi nghiệp:

- Chính sách hỗ trợ hồi hương lao động trẻ có tay nghề từ các khu công nghiệp đồng bằng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

- Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, đất thuê, ưu đãi thuế cho người Lào Cai/Yên Bái về đầu tư sản xuất.

- Ưu tiên chỉ tiêu tuyển dụng công chức, giáo viên, quản lý cho người có bằng kỹ thuật – logistics – công nghệ trở về tỉnh.

5. Ứng dụng chuyển đổi số vào đào tạo nhân lực

- Phát triển nền tảng đào tạo số toàn diện và thông minh:

+ Xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (e-learning) chung cho toàn tỉnh, kết nối các cơ sở giáo dục – đào tạo – doanh nghiệp.

+ Áp dụng công nghệ số trong quản lý đào tạo, kiểm tra đánh giá năng lực, theo dõi tiến độ học tập và kết quả đầu ra.

+ Tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), mô phỏng 3D vào đào tạo các ngành đặc thù như logistics, công nghiệp, y tế, nông nghiệp công nghệ cao.

Phát triển nền tảng đào tạo số toàn diện và thông minh.

Phát triển nền tảng đào tạo số toàn diện và thông minh.

- Xây dựng kho học liệu số dùng chung:

+ Biên soạn, số hóa giáo trình, bài giảng, video hướng dẫn kỹ năng nghề theo cụm ngành ưu tiên của tỉnh.

+ Khuyến khích chia sẻ, kết nối kho học liệu giữa các trường nghề, trung tâm đào tạo, doanh nghiệp và chuyên gia trong – ngoài tỉnh.

+ Hỗ trợ giáo viên và người học tiếp cận tài nguyên học tập mở, nâng cao chất lượng dạy và học.

- Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên và người lao động:

+ Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho giáo viên, cán bộ đào tạo và người lao động.

+ Đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao, kỹ năng làm việc trong môi trường số, khai thác dữ liệu số.

+ Đưa kỹ năng số trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo nghề và phát triển kỹ năng lao động.

- Thúc đẩy hợp tác công – tư trong chuyển đổi số đào tạo:

+ Kêu gọi doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn viễn thông hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng số phục vụ đào tạo.

+ Hỗ trợ các cơ sở đào tạo chuyển đổi mô hình dạy học truyền thống sang kết hợp (blended learning) và học tập số.

+ Thúc đẩy các mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng số hóa, sát với nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng thị trường lao động.

V. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Để đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp, logistics và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cần huy động đồng bộ, linh hoạt và bền vững các nguồn lực sau:

1. Nguồn lực tài chính

- Ngân sách nhà nước: Bố trí kinh phí thường xuyên và đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh, kết hợp ngân sách trung ương hỗ trợ mục tiêu đào tạo nhân lực vùng cao, dân tộc thiểu số và ngành ưu tiên. Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số & miền núi. Ngân sách tỉnh bố trí ≥ 3% ngân sách hằng năm cho đào tạo nghề – giáo dục kỹ thuật.

- Nguồn xã hội hóa: Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở đào tạo tư nhân thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo, liên kết – đồng tài trợ đào tạo, thành lập quỹ phát triển nhân lực. Liên kết với doanh nghiệp FDI, tổng công ty lớn để đào tạo theo đơn hàng. Thu hút trường đại học, học viện nghề mở phân hiệu, trung tâm liên kết tại địa phương.

- Hợp tác quốc tế: Tận dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, vốn ODA, tài trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế (ADB, WB, JICA, KOICA, UNESCO...) để nâng cao năng lực đào tạo, chuyển giao công nghệ, đào tạo giảng viên.

2. Nguồn lực hạ tầng – công nghệ

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các trung tâm đào tạo nghề hiện đại, phòng thực hành kỹ thuật, trung tâm mô phỏng logistics, cơ sở đào tạo số.

- Phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến, kho học liệu số, hệ thống học tập thông minh, đảm bảo tiếp cận đồng đều tại vùng sâu, vùng xa.

- Kết nối hạ tầng đào tạo với các khu công nghiệp, trung tâm logistics, cửa khẩu để tổ chức đào tạo tại chỗ và thực hành thực tế.

3. Nguồn lực nhân lực thực hiện

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, chuyên gia huấn luyện nghề tại địa phương; xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm từ doanh nghiệp.

- Thu hút trí thức trẻ, giảng viên từ các trường đại học lớn về làm việc, hợp tác đào tạo tại Lào Cai thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt.

- Hình thành đội ngũ quản lý đào tạo nhân lực có năng lực số, năng lực hội nhập, nắm bắt xu hướng ngành nghề và kết nối thị trường lao động.

4. Nguồn lực dữ liệu và kết nối thị trường

- Xây dựng Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) về cung – cầu nhân lực, dự báo thị trường lao động, nhu cầu đào tạo theo ngành – địa bàn – trình độ.

- Thiết lập mạng lưới kết nối đào tạo – việc làm – khởi nghiệp giữa người học, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và chính quyền.

VI. CƠ CHẾ – CHÍNH SÁCH ĐỀ XUẤT

Để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, Lào Cai cần triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách theo hướng mở – linh hoạt – ưu tiên có chọn lọc, phù hợp đặc thù vùng cao, biên giới và định hướng trở thành Thành phố ASEAN.

1. Cơ chế chính sách chung

- Ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2025–2045, làm cơ sở chỉ đạo xuyên suốt.

- Xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tỉnh tích hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

- Áp dụng cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực trong các ngành chiến lược (công nghiệp, logistics, du lịch, CNTT...) và vùng khó khăn.

2. Chính sách tài chính – đầu tư

- Hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho học sinh – sinh viên dân tộc thiểu số, vùng cao theo học nghề trọng điểm.

- Chính sách học bổng khuyến khích tài năng, sinh viên giỏi cam kết quay về tỉnh công tác; ưu tiên các ngành khan hiếm nhân lực.

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp hạ tầng đào tạo nghề, phòng thực hành, thiết bị hiện đại, học liệu số.

3. Chính sách thu hút, đãi ngộ và giữ chân nhân tài

- Ban hành chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trí thức trẻ đến làm việc tại các trung tâm đào tạo, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tỉnh.

- Hỗ trợ nhà ở, đất ở, thu nhập tăng thêm, môi trường làm việc cho cán bộ, giảng viên, chuyên gia cam kết gắn bó lâu dài.

- Xây dựng Quỹ hỗ trợ nhân lực trẻ khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

4. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo

- Cơ chế đặt hàng đào tạo giữa tỉnh và doanh nghiệp; ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo thực hành tại chỗ.

- Doanh nghiệp được hỗ trợ 50–100% chi phí đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động nếu cam kết sử dụng sau đào tạo.

- Hình thành các trung tâm đào tạo nghề tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, có sự hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư ban đầu.

5. Chính sách phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số và vùng cao

- Chính sách hỗ trợ tuyển sinh đặc biệt, học bổng toàn phần, hỗ trợ khởi nghiệp sau đào tạo cho lao động dân tộc thiểu số.

- Đào tạo tại chỗ, mô hình “trường nghề lưu động”, “đào tạo gắn với sinh kế” tại các xã đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường tỷ lệ cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị thông qua chương trình đào tạo – bồi dưỡng.

6. Chính sách hợp tác quốc tế và liên kết vùng

- Tỉnh ban hành cơ chế liên kết đào tạo với các địa phương khác trong vùng (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La…), hình thành “cụm liên kết đào tạo nghề Tây Bắc”.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các trường quốc tế, tổ chức nước ngoài hợp tác đào tạo tại Lào Cai (cấp phép nhanh, miễn – giảm thuê đất, hỗ trợ ban đầu).

- Chính sách hỗ trợ người học, cán bộ, sinh viên tham gia chương trình học tập, thực tập, trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để bảo đảm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Lào Cai cần phân công rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và các bên liên quan.

1.UBND tỉnh Lào Cai

- Chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược theo từng giai đoạn 5 năm.

- Chỉ đạo lồng ghép mục tiêu phát triển nguồn nhân lực vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chương trình đầu tư công, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các bản làng.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp cho các chương trình đào tạo trọng điểm.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực)

- Chủ trì triển khai các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng lao động, đào tạo chuyển đổi việc làm.

- Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực theo phân vùng, nhu cầu ngành nghề, đối tượng dân tộc thiểu số.

- Phối hợp các sở ngành tổ chức khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường lao động phục vụ công tác đào tạo.

3.Sở Giáo dục và Đào tạo

- Lồng ghép định hướng nghề nghiệp sớm trong giáo dục phổ thông.

- Triển khai các mô hình trường học gắn với thực tiễn địa phương, định hướng học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số tiếp cận nghề nghiệp có thu nhập ổn định.

4.Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa – Du lịch

- Đề xuất ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển từng lĩnh vực (logistics, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…).

- Tham gia tổ chức lớp đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp, mô hình sản xuất – kinh doanh thực tế.

- Chủ trì xây dựng hệ sinh thái đào tạo số, nền tảng học trực tuyến, kho học liệu mở.

- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đào tạo và kỹ năng nghề cho người lao động.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ quy hoạch và nhu cầu địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cụ thể từng năm, từng ngành.

- Quản lý và triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động vùng cao, dân tộc thiểu số.

6.Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội

- Chủ động kết nối với các cơ quan nhà nước, địa phương để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn.

- Tham gia cung ứng dịch vụ đào tạo, hỗ trợ đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo thực hành, bồi dưỡng lại lực lượng lao động hiện hữu.

- Tổ chức các chương trình học bổng, đào tạo nội bộ, hợp tác đào tạo có cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

7. Cơ chế theo dõi, kiểm tra, đánh giá

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, giao cơ quan chuyên môn làm đầu mối tổng hợp và giám sát.

- Định kỳ tổ chức đánh giá hằng năm và sơ – tổng kết theo giai đoạn 5 năm, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

- Áp dụng phần mềm giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện và kết quả đầu ra của các chương trình, dự án đào tạo nhân lực.

Mời quý độc giả đón đọc Bài 6: Chiến lược phát triển nguồn thu cho Lào Cai sau sáp nhập

Luật sư doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-phuc-vu-cong-nghiep-va-logistics-tinh-lao-cai-moi-giai-doan-2025-2045-99976.html