Phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn tại Việt Nam

Tại Trường hè SAGI 2025, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ được đào tạo thực hành chuyên sâu về phát triển thiết bị ứng dụng vật lý thiên văn với sự tham dự của gần 40 nhà khoa học từ 5 quốc gia.

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 14/7, tại phường Quy Nhơn Nam, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) khai mạc Trường hè SAGI 2025 với sự tham dự của gần 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh, kỹ sư, kỹ thuật viên và sinh viên đến từ 5 quốc gia.

Trường hè SAGI 2025 quy tụ đội ngũ giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín như: Tiến sỹ Eugene Serabyn và Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiền (Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, Viện Công nghệ California, Hoa Kỳ); Tiến sỹ Hoàng Kim Định (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ); Tiến sỹ Nguyễn Lương Quang (CEA Saclay, Pháp); Tiến sỹ Michael Holik (Đại học Kỹ thuật Séc, Cộng hòa Séc); Tiến sỹ Võ Bích Hiển (Trường Đại học Việt Đức); Tiến sỹ Hàn Huy Dũng (Đại học Bách khoa Hà Nội); Tiến sỹ Cao Văn Sơn (Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành, Trung tâm ICISE)...

Tại Trường hè SAGI 2025, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư cùng các sinh viên sẽ được đào tạo thực hành chuyên sâu về phát triển thiết bị ứng dụng trong vật lý thiên văn, một lĩnh vực liên ngành đòi hỏi nền tảng vững chắc về kỹ thuật, tư duy phân tích và khả năng tích hợp đa lĩnh vực.

Chương trình được thiết kế chặt chẽ với các chuyên đề về quang học, điện tử, kỹ thuật đo lường và điều khiển thiết bị khoa học, cùng các nội dung thực hành như lập trình điều khiển thiết bị bằng Python, phát hiện tia vũ trụ và kỹ thuật thiên văn vô tuyến cơ bản.

Trong hai tuần học tập và trải nghiệm, học viên tham dự các buổi giảng chuyên sâu vào buổi sáng và thực hành tại phòng thí nghiệm vào buổi chiều. Các nội dung bao gồm: xử lý tín hiệu, hệ thống ảnh, chuyển đổi Fourier, thiết bị điện tử, đến các thí nghiệm với hệ thống thu, phát sóng vô tuyến và phát hiện hạt vũ trụ. Đặc biệt, từ ngày 21 đến 25/7, học viên sẽ tham gia 12 phiên “Phòng thí nghiệm dự án” (Project Lab) theo nhóm để thực hiện các dự án tích hợp và trình bày kết quả vào lễ bế mạc, một cơ hội quý giá để vận dụng kiến thức đã học, phát triển kỹ năng hợp tác và tư duy phản biện.

Theo Ban Tổ chức, Trường hè không chỉ hướng đến việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, mà còn xây dựng một môi trường học thuật thực tiễn, nơi học viên được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm, đồng thời phát triển khả năng tự học và tư duy phản biện – những phẩm chất thiết yếu của các nhà khoa học và kỹ sư trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Trường hè SAGI là một trong những hoạt động nổi bật của Nhóm Vật lý Thiên văn - SAGI, trực thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), Trung tâm ICISE. Nhóm được thành lập tại tỉnh Gia Lai mới, với sự tài trợ từ Quỹ Simons (Hoa Kỳ) và sự dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt như Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiền, Giáo sư Hoàng Chí Thiêm (Viện Khoa học Không gian và Vũ trụ Hàn Quốc), Tiến sỹ Nguyễn Lương Quang.

Với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn tại Việt Nam, nhóm SAGI không ngừng tổ chức các hoạt động đào tạo, kết nối hợp tác quốc tế và tạo sân chơi học thuật chất lượng cao. SAGI kỳ vọng hình thành một cộng đồng nghiên cứu năng động, có khả năng hội nhập và đóng góp thiết thực vào nền khoa học vũ trụ của Việt Nam trong tương lai.

Trường hè sẽ kết thúc vào ngày 25/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-tre-trong-linh-vuc-vat-ly-thien-van-tai-viet-nam-post1049603.vnp