Thái Lan lên lịch triển khai điện hạt nhân với công nghệ SMR
Thái Lan chuẩn bị chính thức tiếp cận năng lượng hạt nhân thông qua công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).

Trụ sở Cơ quan sản xuất điện năng Thái Lan (Egat) tại tỉnh Nonthaburi. (Ảnh: Kosol Nakachol)
Một đề xuất triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) tại Thái Lan đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp, trong bối cảnh nhu cầu đảm bảo nguồn cung điện ổn định và thúc đẩy kế hoạch quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Báo Bangkok Post trích dẫn thông tin từ một lãnh đạo trong lĩnh vực điện lực tư nhân cho hay, những tập đoàn ủng hộ chính cho công nghệ SMR bao gồm Ratch Group - công ty con của Cơ quan sản xuất điện năng Thái Lan (Egat), công ty điện lực Global Power Synergy Plc thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia PTT Plc và tập đoàn hàng tiêu dùng Saha Pathanapibul International Plc.
Mối quan tâm ngày càng gia tăng của khu vực tư nhân đối với điện hạt nhân phù hợp với định hướng của chính phủ Thái Lan trong việc thúc đẩy triển khai SMR, nhằm giảm lượng khí CO₂ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Mới đây, Global Power Synergy đã công bố tiến hành nghiên cứu khả thi đối với công nghệ SMR, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và mục tiêu khử carbon của doanh nghiệp.
Chia sẻ trước thềm hội thảo quốc tế “Đối thoại toàn cầu về triển khai SMR”, diễn ra ngày 16/7 tại Bangkok, vị lãnh đạo ngành điện cho biết: “Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của công chúng về công nghệ SMR trước khi chính thức thực thi Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP)”.
Hội thảo do Ratch Group và Saha Pathanapibul International đồng tổ chức, nhằm cập nhật xu hướng SMR toàn cầu và tạo cơ hội trao đổi giữa các chuyên gia, nhà quản lý và những người quan tâm đến điện hạt nhân.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), SMR là một dạng công nghệ điện hạt nhân với công suất lên tới 300MW mỗi tổ máy, bằng khoảng 1/3 công suất phát điện của các lò phản ứng hạt nhân truyền thống.
Trong PDP giai đoạn 2024-2037, Thái Lan dự kiến phát triển hai lò SMR, mỗi lò có công suất 300MW và sẽ đưa vào vận hành vào cuối giai đoạn này. Egat có thể sẽ là đơn vị đầu tư và vận hành các lò này.
Thái Lan từng có kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân từ những năm 1970, với Egat là nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ sau khi phát hiện trữ lượng khí tự nhiên lớn ở Vịnh Thái Lan vào đầu những năm 1980. Đến năm 2010, điện hạt nhân được đưa trở lại vào PDP với dự án tổng công suất 2.000MW, dự kiến vận hành vào năm 2020 hoặc 2021 song một lần nữa bị loại bỏ sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản vào năm 2011.
Các chuyên gia nhận định SMR là công nghệ có thiết kế an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Nhờ cơ chế lưu thông tự nhiên và hệ thống làm mát bằng trọng lực, SMR có thể tránh được hậu quả nghiêm trọng khi mất điện, vấn đề từng ảnh hưởng tới các nhà máy điện hạt nhân truyền thống do hệ thống làm mát bị ngưng hoạt động.
Đáng chú ý, một số SMR đang được phát triển để sử dụng nhiên liệu tái chế từ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, qua đó góp phần giải quyết mối lo ngại về xử lý chất thải phóng xạ.