Chủ tịch Viettel đề xuất cơ chế đặc biệt để hút 50 nhân tài về làm việc
Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như: hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi về thuế thu nhập, cho phép chuyên gia được sở hữu đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế…
Viettel đề xuất ba nhóm giải pháp chiến lược về khoa học, công nghệ
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 14/7, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã chia sẻ tham luận, nhấn mạnh vai trò của Viettel trong phát triển công nghệ chiến lược và đề xuất 3 giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo ông Thắng, thời gian qua là giai đoạn đặc biệt với nhiều hoạt động sôi nổi trong 3 trụ cột thể chế, hạ tầng và con người. Viettel đã tham gia sâu vào cả ba lĩnh vực này, đồng hành cùng các bộ, ngành triển khai hạ tầng 5G và mạng truyền dẫn về tận cấp xã phục vụ chính quyền hai cấp sau sáp nhập.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. Ảnh: Bộ KH&CN.
Tập đoàn cũng chủ động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tham gia nghiên cứu 9/11 lĩnh vực công nghệ chiến lược theo Nghị quyết 57.
Về phát triển công nghệ, Viettel đang tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, thực tế ảo, điện toán đám mây, Blockchain, an ninh mạng, công nghệ bán dẫn, robot tự hành, hàng không vũ trụ, năng lượng vật liệu tiên tiến, công nghệ 5G, 6G và hệ sinh thái công nghệ tự chủ. Tập đoàn đã làm chủ một số công nghệ lõi và được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng nhà máy sản xuất chip.
Đặc biệt, với vai trò nhà mạng viễn thông lớn có thị trường hơn 300 triệu dân tại nhiều quốc gia, Viettel khẳng định việc làm chủ công nghệ 5G, 6G là yếu tố chiến lược để đảm bảo tiến độ triển khai hạ tầng, tự chủ thiết kế, sản xuất, dịch vụ và từ đó lan tỏa sang các lĩnh vực khác.
Để thúc đẩy phát triển các công nghệ chiến lược, Chủ tịch Viettel đã đưa ra ba đề xuất bổ sung, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách. Chủ tịch Viettel cho rằng, Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển các công nghệ chiến lược là nhiệm vụ lớn của quốc gia. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả. Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn như: hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi về thuế thu nhập, cho phép chuyên gia được sở hữu đồng sở hữu các kết quả nghiên cưu, phát minh, sáng chế, được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu…
“Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á, là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc tại Tập đoàn” ông Tào Đức Thắng đề xuất.
Bên cạnh đó, Viettel đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.
Ông Tào Đức Thắng cho rằng, doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng. Trong 5 năm qua, Viettel đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.
“Để gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp như một tín chỉ trong chương trình đào tạo” ông Tào Đức Thắng nói.
Muốn thu hút nhân tài phải có việc lớn
Trả lời ba kiến nghị của ông Tào Đức Thắng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang triển khai nhiều đề án thu hút nhân tài.
Theo Bộ trưởng, yếu tố đầu tiên để hút nhân tài là phải có việc lớn. Đây là thỏi nam châm mang tính quyết định. “Nếu chúng ta có việc lớn, thậm chí là bài toán mang tính toàn cầu, chúng ta có thể thu hút được nhân tài của cả thế giới về đây để giải quyết bài toán của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển và thông qua đó, họ cũng có thể thành danh và giàu có”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Bộ KH&CN.
Bộ trưởng cho rằng hiện có bài toán, có ngân sách, nhưng thực sự chưa đủ nguồn lực để nghiên cứu những bài toán lớn. Về thu hút tinh hoa nhân loại, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới cũng gặp bài toán là những nhà nghiên cứu đứng khá xa doanh nghiệp. Cho nên, các nguồn lực về nghiên cứu ở các quốc gia đã phát triển cũng chưa được dùng hết. Viettel muốn thu hút nhân tài thì phải có việc lớn, lớn đến mức mà bản thân Viettel cũng không làm được, Việt Nam cũng không thể tự làm. Khi đó, bài toán toàn cầu sẽ xuất hiện và xuất hiện nhân tài toàn cầu.
Về vấn đề điều kiện làm việc tốt, tức là phòng lab hiện đại, Bộ Khoa học và Công nghệ ý thức rất mạnh mẽ điều này. Vì vậy, trong phân bổ ngân sách, hiện nay mỗi năm sẽ dành cố định ít nhất 20% tổng ngân sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho việc xây dựng phòng thí nghiệm, tức là ít nhất 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Bộ trưởng khẳng định, những phòng thí nghiệm này phải là đẳng cấp quốc tế. Muốn thu hút những nhà khoa học thế giới thì phòng thí nghiệm phải đạt tầm cỡ đó.
Về cơ chế chia sẻ lợi nhuận nghiên cứu rõ ràng, minh bạch, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích rõ các quy định hiện hành. Nếu sử dụng ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu, kết quả thuộc về tổ chức khoa học, công nghệ. Khi thương mại hóa, tổ chức được giữ toàn bộ lợi nhuận nhưng bắt buộc phải chia ít nhất 30% cho người trực tiếp nghiên cứu.
Với nghiên cứu do doanh nghiệp tự đầu tư, việc chia sẻ lợi nhuận theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận, doanh nghiệp vẫn phải chia từ 10–15% cho nhóm nghiên cứu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
“Nếu một nghiên cứu thu được 10.000 tỷ đồng, nhóm nghiên cứu có thể nhận 1.000 tỷ đồng, một con số rất lớn. Vì vậy, người làm nghiên cứu ở Viettel hoàn toàn có thể giàu có, giàu lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cuối cùng, liên quan đến sinh viên và nghiên cứu sinh đi thực tập tại doanh nghiệp, Bộ trưởng thông tin rằng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháng 7 về chủ đề này để đưa sinh viên về các doanh nghiệp, xem xét cấp chứng chỉ và tín chỉ.
Việc này rất cần thiết và quan trọng để các em học sinh, sinh viên khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Điều này tốt cho đất nước, cho tất cả các bên, cho cả sinh viên, doanh nghiệp, và xã hội.
“Văn phòng Bộ sẽ làm việc với văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lên lịch buổi làm việc giữa hai Bộ trưởng. Tôi cũng rất mong muốn các doanh nghiệp trong ngành chủ động đón các sinh viên và nghiên cứu sinh về làm việc, thực tập tại doanh nghiệp”, Bộ trưởng chia sẻ.