Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Ngày 01/8, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự. Điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm chủ trì.
Tính đến nay, cả nước hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó, có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Nhiều năm nay, nước ta luôn quan tâm, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp; tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần được khắc phục. Theo đó, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư; ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội;…
Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp tham gia thảo luận, đề ra các hướng giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo đó, TP.HCM luôn quan tâm, tập trung phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. TP.HCM định hướng thực hiện nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là 35.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 là 58.000 căn; trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp thuê.
Đại diện Tập đoàn VinGroup khẳng định rõ về mong muốn được tham gia xây dựng nhà ở xã hội với số lượng lớn, nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo đó, Tập đoàn VinGroup dự kiến xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.
Tại Long An, hiện tỉnh triển khai hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội công nhân, người thu nhập thấp với quy mô 1.702 căn, 66.525m2 sàn và một số doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình cá nhân tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, nhà trọ cho thuê với quy mô 20.000 căn nhà trọ, 300.000m2 sàn. Tỉnh đang triển khai đầu tư 13 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 63,9ha và đang khảo sát lập quy hoạch 2 dự án độc lập với quy mô xây dựng 19ha. Việc đầu tư nhà ở xã hội đạt kết quả khả quan, bố trí cho khoảng 35.000 công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh có chỗ ở, an tâm làm việc, tuy nhiên những dự án này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân hiện nay (chỉ đáp ứng được khoảng 19% so với nhu cầu).
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của doanh nghiệp và nhân dân. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập và cần được khắc phục sớm nhất có thể. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm việc phát triển nhà ở xã hội; tôn trọng quy luật thị trường nhưng phải có sự bảo hộ của Nhà nước, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội phải theo kế hoạch, quy hoạch, phù hợp với pháp luật, sự phát triển của bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt, các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong phát triển nhà ở xã hội; đồng thời, đưa vào chỉ tiêu hàng năm và 5 năm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, nhà ở xã hội phải có giá phù hợp với khả năng chi trả của công nhân, người thu nhập thấp,…/.