Phát triển nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong CMCN 4.0

Nhằm tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế trong lĩnh vực đào tạo và tài chính - ngân hàng, sáng ngày 20/9 tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh, Học viện Ngân hàng đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: 'Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng trong cách mạng công nghiệp 4.0'.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; NHNN chi nhánh một số địa phương; các NHTM. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo các NHTM, các tổ chức tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, chuyên gia kinh tế...

Về phía Học viện Ngân hàng có sự tham dự của TS. Bùi Tín Nghị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Ngân hàng; NGƯT.PGS.TS. Lê Văn Luyện - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; bà Thanh Kim Huệ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Ngân hàng phân viện Bắc Ninh.

TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Tín Nghị - Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận thấy, cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra những thay đổi căn bản và toàn diện trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là cơ hội để đẩy nhanh quá trình điện tử hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ cho cả doanh nghiệp, nhà quản lý và các cơ sở đào tạo. Việc đổi mới để bắt kịp cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu và là mục tiêu mà Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh ấy, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng được yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư càng trở nên cấp thiết hơn. Đặc biệt, “lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, đồng thời là lĩnh vực chịu áp lực cạnh tranh cao nếu tụt hậu về mặt công nghệ. Trong khi số lượng nhân lực tài chính ngân hàng ngày càng tăng, thì chất lượng nguồn nhân lực lại chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của đổi mới công nghệ”, TS. Bùi Tín Nghị chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV trao đổi tại Hội thảo

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV trao đổi tại Hội thảo

Bàn về cạnh tranh về nhân sự IT, nhân tài số, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng thực tế hiện nay đang thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các định chế tài chính, đặc biệt là ở mảng công nghệ thông tin và số hóa. Ngân hàng cũng có ít lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như các công ty công nghệ hoặc tư vấn Fintech, các chuyên gia CNTT quan tâm đến mức độ sáng tạo, văn hóa doanh nghiệp của công ty nhiều hơn uy tín và mô hình tổ chức.

Theo ông Lực, những điều này dẫn tới khó khăn, thách thức trong định hướng phát triển và sắp xếp, bố trí cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh số. Đó là chưa kể nhân lực trẻ thay đổi công việc nhiều hơn, tuyển dụng nhân sự số và nhân sự CNTT có hiểu biết về kinh doanh rất khó khăn. Nguyên do chính theo chuyên gia này là do môi trường làm việc thiếu cởi mở, hợp tác, văn hóa mang nhiều tính kiểm soát so với các công ty trong lĩnh vực công nghệ, thiếu hụt nguồn cung, cơ chế lương bổng, đãi ngộ, đánh giá cán bộ chưa phù hợp hay các chương trình giáo dục đào tạo thay đổi quá chậm...

Với các định chế tài chính, theo TS. Lực, giải pháp đặt ra để có thể thúc đẩy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trước hết nằm ở việc xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh số, trong đó lưu ý tới văn hóa kinh doanh và quản trị mô hình kinh doanh mới. Song song với đó tăng cường hợp tác và kết nối giữa NHTM và Fintech, Bigtech..., xây dựng hệ sinh thái với NHTM là trung tâm; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; hình thành và áp dụng “khung năng lực” chuẩn, “khung chương trình đào tạo theo vị trí chức danh”...

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Ông Dương Hải Chi, Phó trưởng phòng Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (NHNN) cũng cho rằng cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm tới xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt cho đội ngũ cán bộ quy hoạch chuyên môn. Cơ sở đào tạo cũng cần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập; xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về chất và lượng; hệ thống chương trình đào tạo phù hợp. Chính sách về nhân sự, cơ chế luân chuyển hay vấn đề hợp tác quốc tế cũng được đại diện Vụ Tổ chức cán bộ lưu ý trong kiến nghị tại hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, nhiều vấn đề về thực trạng nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng hiện nay; chương trình và phương pháp - Trụ cột của đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - CMCN 4.0 tại Học viện Ngân hàng; lợi thế của Fintech - sự hợp tác với ngân hàng và thách thức nguồn nhân lực; cũng như xu hướng sử dụng nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong thời đại CMCN 4.0... đã được các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến sôi nổi, đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng thời kỳ CMCN 4.0.

Tin: Minh Khôi - Ảnh: Vân Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-linh-vuc-tai-chinh-ngan-hang-trong-cmcn-40-92443.html