Phát triển nhiên liệu điện tử gặp khó khăn do sự ủng hộ từ quá ít quốc gia

Tuyên bố đầu tư vào nhiên liệu điện tử của Đức, với chữ ký của ba quốc gia là Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Maroc, đã bị Bộ giao thông vận tải hủy bỏ.

Với mong muốn tận dụng Triển lãm ô tô Munich (Đức) để kêu gọi hỗ trợ cho việc sản xuất nhiên liệu điện tử, Đức đã phải đối mặt với thất vọng khi Bộ giao thông vận tải hủy bỏ tuyên bố này, vì lý do có quá ít quốc gia đóng góp chữ ký.

Bộ trưởng giao thông Đức -Volker Wissing từ lâu đã bày tỏ sự ủng hộ của mình trong việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp để mở ra các phương án giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, Đức và Ý đã lên tiếng khá nhiều về sự cần thiết của các lựa chọn thay thế như vậy, đồng thời vận động hành lang để Liên minh châu Âu đưa ra lỗ hổng trong đề xuất cấm bán ô tô động cơ đốt trong, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2035.

Nhiên liệu điện tử được quảng cáo là một giải pháp thay thế khác để giảm lượng khí thải carbon từ xe ô tô. Những người ủng hộ nghiên cứu sâu hơn thường cảnh báo về những nguy hiểm xảy ra khi chỉ dựa vào một nguồn năng lượng duy nhất, ví dụ như năng lượng pin.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Politico, chỉ có Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Maroc thể hiện sự ủng hộ đối với việc này. Cũng cần lưu ý rằng cả Nhật Bản và Cộng hòa Séc đều có ngành công nghiệp ô tô quy mô lớn, trong khi Maroc hy vọng tận dụng được tiềm năng sử dụng năng lượng xanh để tạo ra hydro. Cùng với đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng việc thiếu sự hỗ trợ đã khiến Berlin từ bỏ kế hoạch của mình.

Tuyên bố được đề xuất yêu cầu các quốc gia ký cam kết đầu tư vào các nhà máy nhiên liệu điện tử mới, chia sẻ kiến thức và bảo vệ “tính trung lập về công nghệ” trong việc phát triển công nghệ phương tiện sạch. Điều đó có thể được hiểu là yêu cầu các quốc gia không phụ thuộc hoàn toàn vào xe điện. Đức cũng lập luận rằng bằng cách hỗ trợ nhiên liệu điện tử, các quốc gia ở Nam bán cầu cũng sẽ được hưởng lợi từ các cơ hội công nghiệp ở những nơi có chi phí sản xuất năng lượng gió và mặt trời thấp.

Tuy nhiên, chi phí gia tăng của nhiên liệu tổng hợp vẫn là một thách thức đối với các quốc gia. Hiện tại, nhiên liệu điện tử chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ và EU đang tìm cách sử dụng nhiên liệu điện tử để giúp chuyển đổi các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn khác như ngành hàng không. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng chúng vào xe chở khách vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

CTV Kim Chi/VOV.VN Theo Carscoops

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/phat-trien-nhien-lieu-dien-tu-gap-kho-khan-do-su-ung-ho-tu-qua-it-quoc-gia-post1047386.vov