Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất nước
Ninh Thuận đã chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch.
Ninh Thuận được biết đến là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng và gió” quanh năm. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng Ninh Thuận lại có tiềm năng vô tận mà không tỉnh, thành nào trên cả nước có được.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế này, Ninh Thuận đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch, đảm bảo năng lượng cho đất nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã có bước đi táo bạo gắn với nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư.
Nhờ đó, những năm qua, vùng đất “tiểu sa mạc” đã thu hút mạnh mẽ các “sếu đầu đàn” trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng tái tạo, từng bước trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt 3.475 MW.
Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió cả trên bờ, ven bờ và ngoài khơi; đồng thời có tiềm năng lớn nhất cả nước về thủy điện tích năng. Đây là yếu tố rất đặc hữu làm gia tăng giá trị của trung tâm năng lượng tái tạo mà không nơi nào có được tại Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 2021-2030 và những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn cho ngân sách tỉnh.
Dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia trong những năm tới sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện càng cao. Vì vậy việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cho khu vực có tiềm năng lợi thế lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là thật sự cần thiết và luôn mang tính thời sự; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận, tăng nguồn thu ngăn sách tỉnh, từng bước tự cân đối ngân sách địa phương.
Công nghiệp năng lượng là khâu đột phá
Ninh Thuận xác định công nghiệp năng lượng là khâu đột phá, là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là năng lượng sạch gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện; điện khí hóa lỏng (LNG); đầu tư đồng bộ hệ thống lưới điện truyền tải; xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của cả nước; phấn đấu đến năm 2030 đạt công suất khoảng 26.500 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 16% GRDP của tỉnh.
Ninh Thuận có bức xạ mặt trời cao nhất cả nước với lượng bức xạ từ 1780-2015 kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt 2.500-3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Cả năm có tới 9 tháng nắng, vì vậy Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước.
Với tiềm năng về lượng mặt trời, đến nay, toàn tỉnh đã có 37 dự án điện mặt trời được tỉnh chấp thuận chủ trương, tiến hành khảo sát, lập dự án, với tổng công suất 2543 MW, diện tích sử dụng đất khoảng 3.515,43ha, tổng vốn đăng ký 68.688 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2021, có 34 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại với tổng quy mô công suất 2.260 MW.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng nên đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.
Hiện Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch và dọc chiều dài 105km để sản xuất điện gió, với tổng cộng suất gần 2.500 MW. Khu vực biển Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió ngoài khơi, với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW.
Tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh đã có 17 dự án điện gió đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch; 10 dự án được tỉnh hấp thuận chủ trương lập hồ sơ khảo sát bổ sung; 14 dự án đã đưa vào vận hành thương mại.
Cùng với các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời, các dự án thủy điện cũng đã góp phần làm phong phú thêm nguồn điện năng phục vụ cho phát triển tại tỉnh Ninh Thuận.
Hiện nay, các dự án Thủy điện Tân Mỹ, Mỹ Sơn, Thượng Sông Ông, Đa Nhim mở rộng cũng đã được cấp chủ trương đầu tư và đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với quy mô công suất 1.429,8 MW.
Cho đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành; 4 dự án đang triển khai; 1 dự án đang triển khai là Thủy điện Tích năng Bắc Ái với tổng suất 1200 MW (dự kiến sẽ đưa vào khai thác và vận hành năm cuối năm 2028).
Việt Nam hiện mới chuẩn bị bước chân vào thị trường nhập khẩu khí LNG, việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu khí ổn định và đa đạng nguồn nhập khẩu khí (nhập từ nhiều nước khác nhau) là cần thiết để đảm bảo an ninh cung cấp nhiêu liệu.
Tại khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná, một Tổ hợp Điện khí Thiên nhiên Hóa lỏng được quy hoạch với tổng công suất đến 6.000 MW.
Ngoài ra, vị trí cảng biển Cà Ná tiếp giáp với khu vực tổ hợp nhà máy điện khí 6.000 MW và khu công nghiệp Cà Ná, sẽ thuận lợi cho việc bố trí xử lý giải pháp kỹ thuật chuyển hóa nguồn khí hóa lỏng đạt hiệu suất tối ưu, hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, vị trí Cà Ná cũng nằm ở Trung tâm nguồn năng lượng tái tạo của khu vực miền Trung nên việc hình thành tổ hợp điện khí LNG Cà Ná góp phần điều hòa, ổn định nguồn điện khu vực.
Với những điều kiện thuận lợi kể trên, việc khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng, điện khí là tiềm năng và làm một điểm sáng của ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh Ninh Thuận để đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch lớn nhất cả nước trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung./.