Phát triển nông nghiệp, cần chuyển đổi 'tư duy sản xuất' sang 'tư duy kinh tế'

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Hội nghị diễn ra chiều 30/12, được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá… thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau"

Tại hội nghị, bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông sản Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình đặt hai câu hỏi. Thứ nhất là tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Vậy Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã trong đề án nói trên?

Thứ hai, là chuyển đổi số trong nông nghiệp đang cần thiết hơn bao giờ hết, vừa qua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cho ra mắt "App nông dân". Song nhìn chung, việc tiếp cận của người nông dân vẫn còn hạn chế. Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp nhanh hơn?

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời những vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết. Vừa qua, chúng ta đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi. Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, các bộ ban hành các thông tư để tạo hành lang pháp lý cho nông dân liên kết, hình thành, phát triển các hợp tác xã.

Ngoài Trung ương, thì các địa phương cũng phải tham gia cùng người nông dân thành lập các hợp tác xã với sản phẩm phù hợp, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cùng nhau phát triển thương hiệu của vùng, địa phương… Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các hợp tác xã cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiến hành xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại… Thủ tướng nhắc tới việc Đại sứ nhiều nước rất thích các món ăn của Việt Nam.

Về câu hỏi liên quan tới việc giúp nông dân chuyển đổi số, nhất là các hộ nông dân đơn lẻ, Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước phải lo về cơ sở hạ tầng số. Thủ tướng cho biết đã giao các doanh nghiệp tiến hành khắc phục các điểm lõm về điện và sóng viễn thông.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính xác với các biện pháp phù hợp như qua các các app để người dân có thể trả lời các câu hỏi như ở đâu trồng lúa tốt, ở đâu nuôi tôm tốt, ở đâu trồng rừng tốt… từ đó trí thức hóa nông dân. Tinh thần là chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.

Đại diện các bộ, ngành trả lời kiến nghị của nông dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện các bộ, ngành trả lời kiến nghị của nông dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời câu hỏi của ông Y Pốt Niê (nông dân tỉnh Đắk Lắk) về chính sách gì thúc đẩy nông dân từ quá trình chuyển tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sản xuất nông nghiệp có năm thành tố quyết định: xây dựng thương hiệu như gạo ông Cua (gạo ST25), quy hoạch vùng nguyên liệu, có doanh nghiệp cung ứng đầu vào đầu ra, ngân hàng, khoa học công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Bà con phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có".

Không ngừng nâng cao kiến thức để xây dựng thương hiệu nông sản

Đến từ điểm cầu Gia Lai, nông dân Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Hùng Thơm (Gia Lai), cho biết quá trình làm việc với nông dân, bà nhận thấy phần lớn họ rất cần cù, chịu khó trong sản xuất, nhưng hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin về thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản.

Nữ giám đốc hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì để giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để có kiến thức và nhận thức thì phải thông qua quá trình dạy và học.

Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bằng các hình thức khác nhau như các cơ quan báo chí có các chương trình truyền thông với nội dung, thời lượng phù hợp, thúc đẩy xuất bản các loại sách phổ biến kiến thức, hướng dẫn… Ngược lại, người nông dân cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết.

Nông dân Nguyễn Văn Hữu – Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nông dân Nguyễn Văn Hữu – Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để có thị trường bền vững, Nhà nước phải đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, kết nối người nông dân với các sứ quán, cơ quan đại diện thương mại… Về phần mình, người nông dân phải có các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, sản xuất xanh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

Đối với thị trường, Nhà nước lo tìm kiếm, kết nối thị trường và ký kết các hiệp định, kết nối của người dân, hiệp hội với đại sứ quán...

Song người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh muốn giữ được thị trường, bà con phải giữ và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, từ chất lượng cao đến mẫu mã, bao bì, truy xuất... Thủ tướng dẫn chứng câu chuyện về trái sầu riêng hiện nay của Việt Nam đang phát triển tốt, xuất khẩu nhiều, nhưng nếu chủ quan đưa sản phẩm kém vào sẽ làm ách tắc ngay, gây nguy hiểm cho thị trường, mất uy tín với bạn hàng.

Trước câu hỏi của nông dân Nguyễn Văn Hữu ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển du lịch trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần cải thiện cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương và phát triển kinh tế xanh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, chúng ta rất tự hào về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ; truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng; bản sắc văn hóa đậm đà, đặc sắc; nhiều đặc sản; người dân cần cù, nông dân cởi mở, thật thà.. đây cũng là những yếu tố rất cần để phát triển du lịch.

Thủ tướng cho rằng, muốn khai thác, phát huy được các tiềm năng này, trước hết, phải làm tốt việc quy hoạch phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, di sản, truyền thống văn hóa lịch sử tại các vùng miền; phát triển du lịch ở nông thôn, nông nghiệp cần sự vào cuộc của cả Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Cần nhanh chóng chuyển đổi sang "tư duy kinh tế"

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, việc phát triển nông nghiệp tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu dựa trên "tư duy sản xuất", cần nhanh chóng chuyển đổi sang "tư duy kinh tế", tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển xanh và bền vững .

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng đề nghị nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, người dân tích cực tham gia triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; quán triệt phương châm "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau".

"Chúng ta phải tăng cường liên kết; đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; tăng cường chế biến sâu; mở rộng thị trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, năng suất cao, phát thải thấp, phát triển bền vững", Thủ tướng lưu ý.

Hội nghị có sự tham gia của trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị có sự tham gia của trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Các bộ, ngành, tổ chức, địa phương tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất- chế biến-kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng".

Bắt đầu từ năm 2018, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân đã trở thành hoạt động thường niên. Trước Hội nghị này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận gần 2.000 câu hỏi của nông dân gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-nong-nghiep-can-chuyen-doi-tu-duy-san-xuat-sang-tu-duy-kinh-te-164572.html