Phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi xanh
Hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Quy trình khép kín trong sản xuất đông trùng hạ thảo tại cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Đăng Khoa (Nga Sơn).
Những năm gần đây, nhiều hộ dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và theo hướng hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 15ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; gần 6.000ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2024, ngành nông nghiệp đã triển khai thí điểm dự án “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” vụ thu mùa với diện tích trên 90ha tại xã Yên Phong (Yên Định) đã giảm được 4,84 tấn CO2, tương đương 4,84 tín chỉ carbon/1 ha. Vụ xuân 2025, ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng dự án thí điểm sản xuất lên 1.200ha lúa tạo tín chỉ carbon tại 10 xã trên địa bàn huyện Yên Định. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường hợp tác với Nhật Bản xây dựng và thực hiện dự án “Giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng tín chỉ carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Thanh Hóa”. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2033, với quy mô diện tích năm 2025 là 200ha, đến năm 2030 mở rộng đạt 50.000ha...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, phát triển theo chuỗi giá trị khép kín và chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng liên kết với nhau để chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Tiêu biểu, như: Chuỗi liên kết chăn nuôi gà gắn với chế biến và tiêu thụ của Tập đoàn Japfa Việt Nam, Tập đoàn CP Việt Nam, Golden, Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty chăn nuôi Thọ Xuân, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH thực phẩm sạch Phúc Vinh..; chuỗi liên kết chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc của Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CJ, Mavin, RTD, Newhope, BAF, DABACO...
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, toàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 36.418,73ha tại các huyện Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh. Tại các địa phương ven biển, các cơ sở nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt ngoài trời đang được chuyển sang đầu tư xây dựng nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng, nhà lưới với diện tích khoảng 220ha, năng suất đạt từ 30 - 50 tấn/ha/vụ; các mô hình nuôi cá biển, cá nước ngọt trên hồ chứa bằng lồng HDPE đang phát huy hiệu quả, ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư, như: Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) vào việc quản lý vùng trồng mía nguyên liệu tại Công ty CP mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và quản lý vùng trồng một cách chính xác. Các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, giảm công lao động, bảo vệ sức khỏe con người. Lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm để điều khiển chế độ đóng mở cửa thông gió, điều khiển chế độ bón phân, tưới nước phù hợp cho cây trồng trong nhà lưới. Các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung lắp đặt thử nghiệm hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để đo đạc, thu thập dữ liệu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Vũ Quang Trung: Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình tập trung vào việc áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong nông nghiệp. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên và tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống nông nghiệp trước biến đổi khí hậu. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon trên cây lúa 30.000ha, cây mía 8.000ha. Để đạt được mục tiêu đó, chi cục đang tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút người dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số và nông nghiệp xanh.
Phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi xanh đang là hướng đi và là cơ hội để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp như hiện nay. Hiện, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, HTX và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết vùng phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-chuyen-doi-xanh-247468.htm