Phát triển nông nghiệp hàng hóa còn vướng vì chính sách đất đai
Chính sách đất đai trong nông nghiệp hiện nay đang là rào cản lớn đối với chính sách nông nghiệp hàng hóa.
Phát biểu tại diễn đàn nông nghiệp mùa Thu 2019 với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Quốc tế” do Liên minh Nông nghiệp với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức ngày 24/10, các chuyên gia và nhà nghiên cứu nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có bình quân theo đầu người thấp nhất thế giới.
Cụ thể, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 0,25 ha, trong khi đó con số này trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.
“Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định.
Thông tin tại diễn đàn cũng cho thấy, tại Việt Nam, mặc dù chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng kết quả thực hiện chủ trương đó không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển, vẫn còn các bất cập trong chính sách đất đai trong nông nghiệp.
Theo TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn, chính sách đất đai trong nông nghiệp hiện nay đang là rào cản lớn đối với chính sách nông nghiệp hàng hóa. Dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, nhưng thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.
Trong khi đó theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những hộ có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa tối thiểu từ 2,5 - 3ha thì thu nhập mới đủ sống, diện tích đất nông nghiệp có canh tác lúa dưới 2,5ha thì cuộc sống hầu như bấp bênh và chắc chắn người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định.
“Chất lượng đất ngày càng giảm dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp khiến ngày càng nhiều người dân bỏ hoang đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu vẫn là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ cho nên tính lan tỏa không cao”, TS. Trần Công Thắng chỉ rõ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần bỏ hạn mức chuyển nhượng sử dụng đất, có thể sử dụng công cụ khác như đánh vào thuế sử dụng đất theo phương pháp lũy tiến. Cần có sự giám sát chặt diện tích tối thiểu để tránh tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp và hỗ trợ sự phát tiển của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX).
Về dài hạn, cần có chính sách về đào tạo nghề, xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho trang trại, HTX để tạo động lực phát triển các trang trại lớn, cũng như nâng cao vai trò của HTX trong việc liên kết nông dân với DN./.