Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội:Tăng giá trị nông sản, bảo vệ môi trường

Sau gần 5 năm triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, mang lại kết quả khả quan.

Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ tương xứng với tiềm năng, đáp ứng xu thế phát triển, thành phố cần triển khai giải pháp đồng bộ về quy mô sản xuất, hoàn thiện hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

Mô hình trồng rau hữu cơ của Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh Trọng Tùng

Mô hình trồng rau hữu cơ của Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh Trọng Tùng

Phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh

Là một trong những đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đầu tư bài bản, chủ trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) Trương Kim Hoa cho biết, trang trại có hai khu chính trong đó một khu rộng 60ha ở xã Yên Bình và một khu khác rộng 50ha ở xã Yên Trung. Trang trại Hoa Viên canh tác rau theo phương pháp hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt Bộ tiêu chí “5 không” (không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không giống biến đổi gen, không chất kích thích sinh trưởng). Hoa Viên đã có được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Mỗi ngày, thương hiệu "rau sạch Đại Ngàn" của Hoa Viên cung cấp hàng tấn rau hữu cơ cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi sạch và Kinh doanh tổng hợp Phú Cường (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Tuấn, với 13,6ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP, năng suất trung bình 25-28 tấn/ha, hợp tác xã định hướng thành viên chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đơn vị chủ động cung cấp giống, phân bón chuyên dụng cho cây có múi, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến bảo quản sau thu hoạch. “Thành viên hợp tác xã phải cam kết không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, bưởi của hợp tác xã luôn bán được giá cao hơn 10-15% so với bưởi trồng theo phương pháp truyền thống, tăng thu nhập cho người trồng bưởi tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Tuấn thông tin.

Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, sau gần 5 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, diện tích sản xuất cây trồng hữu cơ toàn thành phố được chứng nhận là 192,046ha và số diện tích đang thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ là 331,4ha. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai 2 vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 60ha tại huyện Chương Mỹ; mô hình thâm canh bưởi hữu cơ tại các huyện: Hoài Đức, Sóc Sơn, Đan Phượng… Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm đạt hữu cơ hoàn chỉnh, hiện đang chuyển đổi khoảng 14.600 con lợn, gà, bò theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thức ăn hữu cơ, tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai…

Nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm

Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố đã đạt một số kết quả tích cực, song việc triển khai còn gặp không ít khó khăn. Nguồn vốn đầu tư quá lớn, trong khi sản xuất vẫn gặp rủi ro. Nhiều đơn vị tự công bố, quảng cáo sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ, dán tem, nhãn mác hữu cơ, nhưng sản phẩm chưa được chứng nhận. Người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ về sản xuất hữu cơ, nên còn nhầm lẫn trong quảng bá là sản phẩm hữu cơ, trong khi mới được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ…

Để hoàn thành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đặc biệt là hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 của thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu thành phố có giải pháp đồng bộ, từ mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện hệ thống chứng nhận đến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình nông nghiệp hữu cơ về vốn với lãi suất ưu đãi; thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội đang tập trung ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường bổ sung cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật đối với sản xuất hữu cơ cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; công bố rõ vật tư được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động lựa chọn đưa vào sản xuất. Chỉ khi những vấn đề này được quan tâm, đầu tư đúng mức, nông nghiệp hữu cơ mới có thể phát triển bền vững theo hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-tai-ha-noi-tang-gia-tri-nong-san-bao-ve-moi-truong-702965.html