Phát triển nông nghiệp không thể thiếu sự đóng góp của công nghệ sinh học

Nghiên cứu công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến triển khá tốt. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) ở nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Dương Hoa Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm CNSH TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Dương Hoa xô, ông có thể cho biết về công tác nghiên cứu, ứng dụng CNSH (chỉ thị phân tử, chuyển gen-GMO, chỉnh sửa gen, nhân bản vô tính...) trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện nay như thế nào?

PGS, TS Dương Hoa Xô: Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020 về Một số kết quả chính của Chương trình CNSH nông nghiệp thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 đã nêu rõ: Trong lĩnh vực cây trồng: Đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, chống chịu sâu bệnh (rầy nâu, đạo ôn, bạc lá), chịu hạn; các giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa và nhiều dòng giống cây trồng triển vọng đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống.

Chương trình đã triển khai nhiều dự án vi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên các đối tượng cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo...), hoa, khoai tây...; đã xây dựng được các quy trình nuôi cấy mô tế bào ở quy mô rộng, chuyển giao cho các cơ sở, sản xuất và cung cấp hàng triệu cây giống cho nhiều doanh nghiệp, người nông dân... Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vi sinh: Chương trình đã tạo được nhiều loại chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế phẩm bảo quản chế biến sản phẩm nông sản, xử lý môi trường. Nhiều sản phẩm đã được mở rộng quy mô thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, một số chế phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn...

Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô tại một hội thảo gần đây được tổ chức ở Hà Nội.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô tại một hội thảo gần đây được tổ chức ở Hà Nội.

PV: Một số ý kiến của nhà khoa học và quản lý cho rằng việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH ở Việt Nam rất chậm so với các nước trên thế giới, ông có ý kiến gì về đánh giá, nhận xét này?

PGS, TS Dương Hoa Xô: Điều này hoàn toàn đúng và tương ứng với điều kiện và môi trường nghiên cứu, đội ngũ khoa học, khả năng đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNSH cũng như cơ chế quản lý khoa học nói chung tại Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam đủ trình độ tiếp cận với những công nghệ mới trong CNSH nhưng họ đang rất thiếu kinh phí đầu tư đúng mức để thực hiện các nghiên cứu bài bản, đồng bộ và đi đến sản phẩm cuối cùng. Các đề tài nghiên cứu khoa học thường được cấp kinh phí hạn chế và thời gian thực hiện cũng vậy (nhất là các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống). Mặt khác, cơ chế quản lý đề tài khoa học của chúng ta, nhất là các thủ tục tài chính thanh quyết toán đề tài gây khó khăn cho các nhà khoa học chủ động nghiên cứu. Hơn nữa, lĩnh vực CNSH tại nước ta mới được Nhà nước có chủ trương trở thành ngành khoa học trọng điểm chính thức từ năm 2005, trong khi trên thế giới ngay từ năm 1996 họ đã thương mại hóa giống cây trồng chuyển gen đầu tiên.

PV: Ông từng phát biểu tại một hội thảo gần đây được tổ chức ở Hà Nội rằng từ nghiên cứu thành công các dòng cây trồng CNSH đến việc trở thành giống được công nhận được thương mại hóa tại Việt Nam vẫn còn chặng đường khá dài. Vậy theo ông chúng ta cần phải làm gì để rút ngắn khoảng cách này?

PGS, TS: Theo báo cáo của của Chương trình CNSH nông nghiệp thủy sản giai đoạn 2015-2020, chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật phân lập, tách chiết gen, thiết kế vector và kỹ thuật chuyển gen vào cây đích và bước đầu thành công chọn tạo được các dòng chuyển gen thế hệ T0-T4 trên một số giống cây trồng nông lâm nghiệp (12 dòng ngô chuyển gen chịu hạn, kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ; 21 dòng đậu tương mang gen chịu hạn, kháng sâu đục thân và ruồi đục quả; 46 dòng khoai lang mang gen kháng bọ hà, 8 dòng xoan ta mang gen sinh trưởng nhanh và chất lượng gỗ tốt; 56 dòng bạch đàn mang gen sinh trưởng nhanh và sợi gỗ dài; 15 dòng bông mang gen chịu hạn và kháng sâu...).

Như vậy để được công nhận là giống chuyển gen và được phép đưa vào sản xuất, tác giả của các dòng chuyển gen này còn phải tiếp tục các bước các dòng chuyển gen này đến thế hệ T6-T7, phải qua các bước đánh giá khảo nghiệm tính an toàn sinh học đối với môi trường và con người, thử nghiệm tính thích nghi trên từng vùng sinh thái... theo đúng các quy định của Chính phủ về công nhận giống cây trồng chuyển gen. Do đó thời gian này đòi hỏi phải thực hiện tiếp 3-5 năm nữa, chưa kể phần kinh phí đầu tư rất tốn kém.

PV: Tại Việt Nam một số người, thậm chí ngay cả những người làm công tác quản lý vẫn còn tâm lý e ngại đối với cây trồng CNSH, cụ thể là ngô, đậu tương. Thế nhưng thực tế có thể hằng ngày họ vẫn sử dụng gián tiếp thực phẩm GMO (sản phẩm chăn nuôi: thịt, trứng, sữa được chăn nuôi bằng ngô, đậu tương GMO). Liệu sử dụng thực phẩm GMO có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không, thưa ông?

PGS, TS Dương Hoa Xô: Hiện nay các sản phẩm là thực phẩm chuyển gen hay thức ăn chăn nuôi chuyển gen đã được thế giới chứng minh là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi, con người cũng như môi trường sinh thái (tính an toàn sinh học). Các sự kiện chuyển gen được phép sử dụng làm thực phẩm thức ăn chăn nuôi đã có Danh mục nhiều nước trên thế giới công nhận vả được phép sử dụng. Hiện nay Hội đồng An toàn sinh học thực phẩm và thức ăn chăn nuôi chuyển gen của Bộ NN&PTNT dựa vào các văn bản pháp lý của nhà nước quy định cũng như các báo cáo khoa học trên thế giới để xem xét hồ sơ công nhận các sự kiện chuyển gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được phép sử dụng tại Việt Nam. Hội đồng này hoạt động từ năm 2013 đến nay. Để một sự kiện chuyển gen (một giống cây trồng, vật nuôi) được công nhận đưa vào sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam có rất nhiều điều kiện bắt buộc phải xem xét rất chặt chẽ, kỹ lưỡng, trong đó có điều kiện là sự kiện này phải được tối thiểu 5 nước phát triển trên thế giới công nhận cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Nông dân tham quan mô hình trồng ngô chuyển gen ( GMO) tại tỉnh Thái Nguyên.

Nông dân tham quan mô hình trồng ngô chuyển gen ( GMO) tại tỉnh Thái Nguyên.

PV: Nghiên cứu, ứng dụng CNSH có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển của ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

PGS, TS Dương Hoa Xô: Thế kỷ 21 là thế kỷ của KHCN. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp của nước ta phải đi vào ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thể thiếu sự đóng góp của CNSH trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng vật nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vắc-xin phòng ngừa bệnh vật nuôi, các công nghệ mới của CNSH phục vụ cho nông nghiệp...

PV: Tại Việt Nam đến nay chúng ta mới chỉ ứng dụng CNSH (biến đổi gen, chuyển gen-GMO) đối với cây ngô, vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng cây ngô CNSH cũng như cây trồng CNSH ở nước ta trong thời gian tới?

PGS, TS Dương Hoa Xô: Hiện nay chúng ta đã cho phép đưa vào sản xuất một số giống ngô chuyển gen có nguồn gốc nhập nội (có tính kháng sâu đục thân và kháng thuốc trừ cỏ), tuy nhiên các giống này chỉ hiệu quả cao ở một số vùng canh tác nhất định khi có áp lực sâu đục thân trên ngô hoặc mật độ cỏ dại cao. Chúng ta vẫn tiếp tục phải nghiên cứu cũng như ứng dụng các giống chuyển gen nhập nội không chỉ giống ngô mà có thể một số cây trồng khác (ví dụ cây lâm nghiệp). Ngoài ra trên các loại hoa, dược liệu ứng công nghệ chuyển gen cũng rất hiệu quả. Chưa kể hiện nay công nghệ chỉnh sửa gen (genome editting) đang bắt đầu được ứng dụng khá rộng rãi trên thế giới và Việt Nam cũng bước đầu tiếp cận được công nghệ này. Hy vọng thời gian sắp tới các nhà khoa học Việt Nam sẽ có điều kiện về kinh phí để triển khai mạnh mẽ hơn để phục vụ sản xuất.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-nong-nghiep-khong-the-thieu-su-dong-gop-cua-cong-nghe-sinh-hoc-658623