Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững

Nhu cầu ngày càng cao của người dân về sản phẩm nông nghiệp an toàn và yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đã đặt mục tiêu cho Vĩnh Phúc về việc phải phát triển một nền nông nghiệp theo hướng an toàn, vừa thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Cùng với việc ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, mới đây, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Thế Hùng

Mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Thế Hùng

Phát huy lợi thế và kế thừa truyền thống phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ chính sách “khoán hộ”, “chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp”, “phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân”, Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, đa dạng với cơ cấu ngành nghề hợp lý.

Giai đoạn 2012- 2015, tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Nghị quyết số 52, 53 về hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung; giai đoạn 2016- 2020, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Từ những chủ trương sát đúng, sáng tạo và khoa học, cùng sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu cả về bề rộng và chiều sâu.

Một trong những dấu ấn quan trọng, tạo sự chuyển bến mạnh mẽ trong tư duy, cách làm của người dân đó là: Đưa sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường.

Đi đôi với việc áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu trong sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gieo trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao; nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất giúp năng suất tăng gấp đôi so với năm 1997.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu như thanh long ruột đỏ, ớt quả, dưa chuột, su su, chuối tiêu hồng; một số nông sản của tỉnh đã vươn ra thị trường thế giới.

Trong chăn nuôi, với việc đưa các giống mới có sản lượng, chất lượng, hiệu quả vào sản xuất, người dân đã chú trọng hơn đến công tác môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đã hình thành một số mô hình sản xuất hàng hóa tập trung lớn như chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo...

Nếu như năm 1997, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt 22.600 tấn thì đến năm 2021 đã đạt trên 119.500 tấn. Hiện Vĩnh Phúc có hơn 3.300 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bao gồm rau, quả các loại, lúa gạo, cùng với 5 cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô 900 con. Trong đó lớn nhất là diện tích sản xuất rau quả, rau ăn lá với 3.200 ha tại 55 xã, phường, thị trấn.

Hằng năm, cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thông qua ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều vùng, hợp tác xã sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Toàn tỉnh có 94 cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, trong đó có 30 cơ sở trồng trọt, 60 cơ sở chăn nuôi, 4 cơ sở thủy sản.

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất giá trị hàng hóa lớn, Vĩnh Phúc đã thực hiện chú trương dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã dồn thửa đổi ruộng được gần 2.000 ha tại 5/9 huyện, thành phố.

Sau dồn thửa đổi ruộng, đồng đất đã được cải tạo, kiến thiết lại thuận lợi cho công tác áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại, giúp giải phóng sức lao động, là điều kiện để chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững và có sức cạnh tranh cao, ngày 24/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 nhiệm vụ và 11 giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức sản xuất hiệu quả, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.

Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; Hội nhập và hợp tác quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xác định chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với chi phí thấp nhất và bán giá cao nhất, từ đó, hướng tới phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Anh Tú

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78349/phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung.html