Phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng, và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Chủ đề về nông nghiệp thông minh, áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trong chương trình “Dòng chảy số” có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Chương trình được phát sóng lúc 17 giờ 30 phút thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư hằng tuần trên Đài truyền hình Việt Nam VTV2.

PGS là hệ thống chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc và quy chuẩn hữu cơ đã được thống nhất với sự tham gia của nhiều bên gồm nông dân, doanh nghiệp, cán bộ địa phương, các nhà khoa học và chính người tiêu dùng. Thông qua mô hình thí điểm nông nghiệp thông minh của trang trại nằm tại xóm Gừa, xã Cự Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chuyên cung cấp rau củ hữu cơ sạch cho các nhà phân phối. Tem dán mã QR code được dán lên túi rau sau khi thu hoạch giúp khách hàng biết rau được thu hoạch bởi nhóm nông dân nào, theo dõi và truy xuất nguồn gốc dễ dàng và yên tâm khi sử dụng. Đây là điểm đặc biệt của chứng nhận PGS.

 Nhóm nông dân dán tem QR code lên sản phẩm do chính mình trồng. Ảnh chụp màn hình chương trình phát sóng trên VTV2

Nhóm nông dân dán tem QR code lên sản phẩm do chính mình trồng. Ảnh chụp màn hình chương trình phát sóng trên VTV2

Mô hình nông nghiệp thông minh trên có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ. Thứ nhất, sản phẩm đã được chế biến thành phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu. Thứ hai, cách thức đưa hàng hóa tới người tiêu dùng đã có sự thay đổi, thậm chí có thể bỏ qua khâu trung gian – đưa thẳng sản phẩm của nông dân tới nền tảng giúp tất cả người tiêu dùng trên mọi nơi tiếp cận nhanh chóng. Thứ ba, giúp người tiêu dùng ngày càng quan tâm nguồn gốc của sản phẩm đang sử dụng, quá trình hình thành tạo nên sự tin tưởng sử dụng. Việc ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp rất thiết thực.

 Ghi hình hoạt động thu hoạch nông sản và bao gói sản phẩm. Ảnh chụp màn hình chương trình phát sóng trên VTV2

Ghi hình hoạt động thu hoạch nông sản và bao gói sản phẩm. Ảnh chụp màn hình chương trình phát sóng trên VTV2

Với mong muốn mang tới những mô hình hiện đại, những sản phẩm sạch, chất lượng đến tay người tiêu dùng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong của thành phố trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất.

Nắm bắt được công nghệ là chìa khóa giúp cho các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng sức cạnh tranh trên các thị trường, nhất là đối với những sản phẩm rau, củ, quả, những nông sản thiết yếu. Việc ứng dụng công nghệ số được triển khai trên nhiều công đoạn của quá trình sản xuất: Lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối máy tính, điện thoại thông minh giúp người sản xuất quản lý, vận hành hệ thống, triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm được tài trợ bởi Công ty Sorimachi, Nhật Bản đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chương trình chuyển đổi số như là một chính sách ưu tiên phát triển hàng đầu. Chuyển đổi số góp phần gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp của bà con. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, cho người nông dân cũng như đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững.

MINH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-nong-nghiep-thong-minh-tai-viet-nam-795974