Phát triển nuôi biển công nghệ cao để xuất khẩu thủy sản đạt tỷ USD
Sau khi Thủ tướng Chính phủ duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa vào ngày 24/1/2025, ngành nông nghiệp đang khẩn trương tham mưu tỉnh xây dựng các chính sách để khuyến khích chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao và sử dụng vật liệu mới.
Đạt sản lượng "khủng" nhờ nuôi biển công nghệ cao
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2024, Khánh Hòa có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 3.864 ha với tổng sản lượng đạt 22.570 tấn.
Trong đó, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm với tổng số lồng thả nuôi là 99.790 ô lồng và sản lượng đạt 3.300,9 tấn. Tiếp đến là cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá hồng, cá chim trắng, cá bè với sản lượng 9.258,7 tấn.
![Nhiều doanh nghiệp và hộ dân ứng dụng công nghệ nuôi lồng bằng vật liệu mới HDPE đạt hiệu quả cao về sản lượng trong nuôi biển.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51451328/ea1d856bb025597b0034.jpg)
Nhiều doanh nghiệp và hộ dân ứng dụng công nghệ nuôi lồng bằng vật liệu mới HDPE đạt hiệu quả cao về sản lượng trong nuôi biển.
Ngoài ra còn có rong biển với diện tích thả khoảng 131,5 ha, sản lượng 1.018,5 tấn (rong sụn 302,5 tấn, rong nho 716 tấn). Cùng với đó là các đối tượng khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế như tu hài, vẹm xanh, ngao hai cùi…
Theo ông Nguyễn Duy Quang, một số vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Khánh Hòa đã sớm tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE.
Cụ thể, năm 2000, Công ty TNHH Ngọc Trai đã đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Năm 2006, Công ty TNHH Marine Farms ASA Việt Nam (Na Uy) và năm 2007, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam bắt đầu đầu tư thiết bị và công nghệ nuôi cá biển bằng lồng HDPE quy mô công nghiệp ở vịnh Vân Phong.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51451328/1a3c744a4104a85af115.jpg)
Ông Nguyễn Duy Quang: "Năm 2025, có khả năng Khánh Hòa sẽ thu về gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản".
Năm 2013, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cũng triển khai dự án trình diễn nuôi biển theo quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong. Năm 2020, ông Nguyễn Xuân Hòa (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) bắt đầu tiếp cận và đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE ở vịnh Vân Phong. Những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiên phong nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE trên biển tại Khánh Hòa đều đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam có diện tích nuôi cá chẽm xa bờ 384 ha với hơn 51 lồng nuôi đạt sản lượng trung bình 250-300 tấn cá/lồng. Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chủ yếu nuôi cá chim vây vàng với 42 lồng đạt sản lượng 200 tấn/năm…
“Việc ứng dụng công nghệ nuôi lồng bằng vật liệu mới HDPE, vừa thích ứng với việc biến đổi khí hậu, vừa phù hợp với cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường để nuôi cá biển cho sản lượng lớn hiện đang được hướng dẫn khuyến khích phát triển” - ông Nguyễn Duy Quang nhận định.
![Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51451328/d111b8678d2964773d38.jpg)
Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, năm 2023, với sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, đã hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển ở vịnh Cam Ranh. Sau 1 năm triển khai, 10 hộ tham gia nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng HDPE đều thu được lợi nhuận cao hơn so với việc nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống.
“Đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức sản xuất trong nuôi biển, gắn với bảo vệ môi trường nuôi; giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái”- ông Nguyễn Duy Quang chia sẻ.
Hướng đến cột mốc xuất khẩu tỷ USD
Nhằm tiếp tục triển khai việc mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao giúp người dân nuôi biển từng bước chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE, FRP…) hiện nay, Sở NN&PTNT và các địa phương đang phối hợp Quỹ Thiện Tâm tiếp tục triển khai lắp đặt lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE, FRP…) cho 70 hộ trải đều tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ.
![Lồng nuôi bằng vật liệu mới đang phát huy tính khả dụng và hiệu quả trong nuôi biển công nghệ cao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51451328/d80ab07c85326c6c3523.jpg)
Lồng nuôi bằng vật liệu mới đang phát huy tính khả dụng và hiệu quả trong nuôi biển công nghệ cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo số liệu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng qua các năm, nếu khai thác tốt tiềm năng lợi thế biển của địa phương, đồng thời các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, năm 2025 có khả năng Khánh Hòa sẽ thu về gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Quang nhận định, nghề nuôi trồng thủy sản đòi hỏi mức đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao nên khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách; chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ một lần sau đầu tư để khuyến khích chuyển đổi mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao.
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 231/TTg-CP ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, hiện nay ngành nông nghiệp đang khẩn trương tham mưu tỉnh xây dựng các chính sách để khuyến khích chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao và sử dụng vật liệu mới.
Trong đó có chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới.
![Khánh Hòa đang xây dựng các chính sách để khuyến khích chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao và sử dụng vật liệu mới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51451328/5f733405014be815b15a.jpg)
Khánh Hòa đang xây dựng các chính sách để khuyến khích chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao và sử dụng vật liệu mới.
Đồng thời, triển khai các giải pháp và các chương trình, đề án, dự án để thực hiện như đầu tư hạ tầng vùng nuôi; quản lý và tổ chức sản xuất; kêu gọi đầu tư về thức ăn, con giống, công nghệ nuôi, công nghệ hỗ trợ và dịch vụ nuôi biển; quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; trong đó có cơ chế chính sách về giao khu vực biển và miễn giảm thuế cho các tổ chức cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.
“Các chính sách phát triển thủy sản hiện có và đang được xây dựng, sau khi hoàn thiện ban hành sẽ tạo điều kiện pháp lý, môi trường thuận lợi, hỗ trợ ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản mạnh và bền vững, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới” - ông Nguyễn Duy Quang cho hay.