Phát triển phải đi cùng tiết kiệm, chống lãng phí và công bằng xã hội

HNN.VN - Phiên thảo luận cho thấy nhiều vấn đề nóng đang được Quốc hội quan tâm, từ tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm - chống lãng phí, đến đào tạo nguồn nhân lực và chính sách xã hội. Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thực chất, với kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới – hiệu quả, bền vững và hài hòa lợi ích.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ

Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều vấn đề nổi bật đầu năm 2025. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế và các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn và Kiên Giang thảo luận ở tổ 7.

Tập trung đầu tư cho R&D và công nghiệp mũi nhọn

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) khẳng định, trong bối cảnh thế giới chuyển động nhanh về công nghệ, Việt Nam cần xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, ô tô, và công nghệ cao.

Theo ông Nam, nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia đã bứt phá mạnh mẽ nhờ chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D).

"Muốn phát triển R&D, cần có nguồn lực. Trong hàm sản xuất phải có vốn, đất đai, nhà xưởng và nhân lực chất lượng cao. Muốn tăng trưởng 8-10% thì phải đầu tư tương đương 38% GDP, tức khoảng 240 tỉ USD. Đây là bài toán lớn đòi hỏi sự huy động đồng bộ từ cả nguồn vốn công và tư", ông Nam phân tích.

Về đầu tư công, ông Nam đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ thủ tục, đặc biệt là rút ngắn quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Với khu vực tư nhân, đại biểu đề xuất cần điều tiết linh hoạt kênh trái phiếu doanh nghiệp để tránh tình trạng "siết quá tay" khiến thị trường đóng băng.

Vấn đề nguồn nhân lực cũng được đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh, với nhận định tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp mới đạt khoảng 26%, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông kiến nghị cần đẩy mạnh đào tạo nghề, gắn với thực tế sản xuất và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam.

Bên cạnh công nghiệp, du lịch được đại biểu Nguyễn Hải Nam xem là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. "Năm 2019, du lịch đóng góp 9% GDP, tạo hơn 8 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, nhưng đến năm 2024, lượng khách quốc tế mới chỉ đạt một nửa Thái Lan. Cần đầu tư hạ tầng, cải thiện visa, đẩy mạnh quảng bá và đặc biệt là số hóa trải nghiệm du lịch", ông nói. Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh đến yếu tố phát triển bền vững: "Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy tăng trưởng nóng có thể đi kèm bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, tình cảm gia đình rạn nứt, bạo lực... Kinh tế phát triển mạnh nhưng không thể bỏ quên mặt trận xã hội".

Siết quản lý tài nguyên, xử lý tài sản công sau sáp nhập

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bà Sửu cho biết, năm 2024 cả nước tiết kiệm được hơn 64.000 tỉ đồng, đến từ 32 bộ ngành, 63 tỉnh thành và 20 tập đoàn, tổng công ty. Tuy vậy, vẫn còn ba lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm: Tài nguyên, tài sản công và chi thường xuyên.

Bà Sửu nhấn mạnh: "Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi đã có hiệu lực và Thủ tướng đã ban hành kế hoạch triển khai, nhưng vi phạm trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn phổ biến. Gây ô nhiễm nước, không khí, ảnh hưởng phát triển bền vững".

Đại biểu đề nghị siết quy trình cấp phép khai thác tài nguyên, tránh cấp phép tràn lan hoặc kéo dài. "Chỉ nên cấp phép cho tổ chức, cá nhân có năng lực, đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm", bà nói.

Về tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cảnh báo nguy cơ lãng phí lớn nếu không có phương án xử lý từ sớm. "Nhiều trụ sở hành chính sẽ dư thừa, nếu không có cơ chế giải quyết sẽ ảnh hưởng đầu tư phát triển và gây thất thoát tài sản công", bà lưu ý.

Về mặt tài chính, bà đề nghị cần bảo đảm chi thường xuyên cho cán bộ sau sáp nhập, đồng thời ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các xã, huyện mới hình thành, tránh tình trạng đầu tư chồng chéo hoặc gián đoạn. Một nội dung khác được bà Sửu nêu bật là kích cầu tiêu dùng: "Sức mua của người dân đang giảm, ảnh hưởng đến thu nhập và tăng trưởng. Nếu không có giải pháp kịp thời thì khó đạt mục tiêu GDP bình quân đầu người 5.000 USD vào năm 2025". Bà đề xuất giải pháp liên kết sản xuất - lưu thông - tiêu dùng, khuyến khích vai trò người dân, doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia.

Đầu tư hạ tầng và quản lý dạy thêm đúng cách

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội đánh giá cao vai trò chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhất là Thủ tướng.

Bà Hải dẫn các khẩu hiệu hành động như "vượt nắng thắng mưa", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" như minh chứng cho tinh thần làm việc quyết liệt.

"Tôi từng làm lãnh đạo địa phương nên hiểu, nếu không có sự chỉ đạo tháo gỡ từ Chính phủ, những dự án như tuyến đường Bắc Sơn không thể triển khai", bà nói và dẫn ví dụ tuyến đường đã hoàn thành 90% nhưng chưa quyết toán do thiếu hệ thống chiếu sáng, thoát nước. Nhờ chỉ đạo sát sao, nhiều dự án như TISCO (Gang thép Thái Nguyên) hay Bắc Sơn đã khơi thông, tạo đà tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội tham gia thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội tham gia thảo luận

Bà Hải ví đầu tư hạ tầng như "gieo mầm", sẽ mang lại "hoa thơm trái ngọt" trong tương lai. Chuyển sang lĩnh vực giáo dục, bà nêu quan điểm: "Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, không thể cấm triệt để". Bà chia sẻ, nhiều học sinh cần học thêm để củng cố kiến thức, hoàn toàn lành mạnh. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng biến tướng, như dạy thêm trong nhà dân gần trường, điều kiện không đảm bảo. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Hải ủng hộ phương án quản lý dạy thêm qua các trung tâm được cấp phép. "Phải có bàn ghế, ánh sáng, sĩ số phù hợp. Cần quy định rõ, quản lý chặt nhưng linh hoạt", bà đề nghị.

Bà Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh vai trò giám sát của Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý do nhu cầu học thêm cao.

Về Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá là kịp thời, nhưng cần xem xét quy định cấm giáo viên dạy thêm học sinh lớp mình phụ trách vì có thể gây thiệt thòi cho học sinh yếu cần sự hỗ trợ sát sao nhất.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/phat-trien-phai-di-cung-tiet-kiem-chong-lang-phi-va-cong-bang-xa-hoi-153911.html