Phát triển phong trào sinh vật cảnh ở Lý Nhân
Phong trào sinh vật cảnh tại Lý Nhân nhiều năm qua phát triển khá mạnh, góp phần phát triển kinh tế, làm phong phú đời sống xã hội.
Hội Sinh vật cảnh huyện Lý Nhân hiện có 328 hội viên sinh hoạt tại 12 chi hội, hầu hết hội viên đều tích cực tham gia, phát triển phong trào sinh vật cảnh. Với niềm đam mê cây cảnh nói chung và cây cảnh nghệ thuật nói riêng, hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện luôn chủ động tìm tòi, học hỏi, nâng cao tay nghề để cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật cây cảnh có giá trị, từ đó, nâng cao thu nhập, đời sống.
Hiện số lượng cây của các hội viên lên tới hơn 23.000 chậu cây hoa cảnh các loại. Trong đó, 181 nhà vườn có giá trị kinh tế từ 50 - 100 triệu đồng; 88 nhà vườn có giá trị kinh tế từ 100 - 500 triệu đồng; 40 nhà vườn có giá trị kinh tế từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng; 18 nhà vườn có giá trị kinh tế từ 1 tỷ đồng trở lên, đặc biệt, một số nhà vườn sở hữu giá trị hàng chục tỷ đồng. Điển hình như mô hình sinh vật cảnh của các hội viên: Trần Văn Hiệp (Nguyên Lý), Đào Công Tuệ (Phú Phúc), Đoàn Văn Tín (Nhân Bình), Đặng Công Cường (Nhân Thịnh), Trần Văn Lực (thị trấn Vĩnh Trụ)…
Các hội viên, nhà vườn đã phát huy tính năng động, sáng tạo, đầu tư cây trồng cho giá trị kinh tế cao; phát huy tính tập thể, tính cộng đồng và đạo đức nghề nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển biến tích cực về nhận thức, chuyển dịch cơ cấu cây trồng khu vực nông thôn, thúc đẩy sự phát triển phong trào sinh vật cảnh và từng bước thực hiện mục tiêu đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế có giá trị. Tổ chức hội và hội viên còn thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội; bồi dưỡng kiến thức cho hội viên và nâng cao chất lượng sản phẩm sinh vật cảnh; tích cực vận động hội viên tham gia công tác an sinh xã hội…

Hội viên và người dân tham quan Triển lãm trưng bày cây cảnh nghệ thuật huyện Lý Nhân năm 2024.
Vườn cây cảnh nghệ thuật của ông Ngô Song Toàn, hội viên Chi hội sinh vật cảnh xã Xuân Khê hiện có tới hàng trăm gốc sanh, si, nguyệt quế…, đã và đang hoàn chỉnh về dáng thế và có giá trị cao. Ông Toàn cho biết: Hiện toàn xã có 44 hội viên thường xuyên sinh hoạt đều đặn, trao đổi, giao lưu, đánh giá rút kinh nghiệm trong chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, qua đó, nâng cao tính thẩm mỹ, giá trị của tác phẩm, sản phẩm cây cảnh. Hầu hết tác phẩm của chi hội đem đi trưng bày tại các triển lãm đều có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, đạt đến trình độ cao, chuyên nghiệp và đáp ứng tốt các tiêu chí "cổ, kỳ, mỹ, văn".
Từ phong trào sinh vật cảnh đã tạo niềm hứng khởi, khích lệ các hội viên có cơ hội sáng tạo nhiều tác phẩm đẹp. Để nâng cao hơn nữa giá trị cây cảnh, chi hội tạo cơ hội để hội viên được tham gia các buổi giao lưu, triển lãm để qua đó giới thiệu những nét đẹp văn hóa của quê hương và đưa sinh vật cảnh trở thành một ngành nghề thu nhập ổn định, có giá trị kinh tế.
Bằng sự khéo léo, sáng tạo cùng lối tư duy chơi cây cảnh hiện đại, các hội viên Hội Sinh vật cảnh Lý Nhân đã sưu tầm, tạo tác được hàng nghìn tác phẩm, phong phú về chủng loại, đa dạng về kích cỡ, với nhiều hình thức thể hiện độc đáo, mới lạ. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của Hội Sinh vật cảnh huyện Lý Nhân được dự triển lãm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, năm 2019, cây cảnh nghệ thuật của các hội viên huyện Lý Nhân đã được đi dự Lễ hội Bonsai và Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 tổ chức tại Khu Du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh). Từ năm 2019 - 2024, ngoài hơn 1.300 tác phẩm nghệ thuật được mang đi triển lãm, trưng bày còn có hàng nghìn tác phẩm phôi cây của hội viên được giới thiệu tại nhiều gian hàng. Qua những chuyến đi trưng bày, giao lưu cây cảnh nghệ thuật, các hội viên, nghệ nhân rút ra nhiều kinh nghiệm về công tác tổ chức, trưng bày sinh vật cảnh, cách uốn tỉa cây cảnh hiện đại, cách trình diễn sinh vật cảnh ở trình độ cao…
Ông Trần Xuân Lộc, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Lý Nhân chia sẻ: Đặc thù của sinh vật cảnh mang đậm tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao, do đó để có tác phẩm cây cảnh có giá trị, các hội viên, nghệ nhân phải dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm tòi, sưu tầm, sáng tạo ra những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, từ đó phát triển sinh vật cảnh trở thành một ngành nghề có thu nhập cao, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, mục tiêu của hội là gắn liền đời sống xã hội của hội viên với các phong trào quần chúng, góp phần xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư.
Với định hướng đúng đắn đó, hy vọng thời gian tới phong trào sinh vật cảnh huyện Lý Nhân sẽ không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế có giá trị, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn.