Phát triển phong trào võ thuật trong thanh, thiếu niên
Võ thuật là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, định hình tính cách, tinh thần thượng võ; nâng cao tính kỷ luật, kiên trì, chịu khó, giúp học tập tốt hơn, tránh xa trò chơi không lành mạnh. Chính vì những lợi ích trên mà trong thời gian qua, nhiều bậc phụ huynh quyết định cho con em theo học võ thuật tại câu lạc bộ (CLB), trường học, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa…
Một trong những môn võ có nhiều học viên đam mê là võ cổ truyền do người Việt sáng tạo, được bồi đắp qua nhiều thế hệ với những đòn, thế đặc thù. Bên cạnh phát triển phong trào, bộ môn này còn chú trọng tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ, hướng đến bảng vàng thành tích cao trong tương lai.
Từ năm 2007, CLB võ cổ truyền thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân, do huấn luyện viên Lưu Văn Trường hướng dẫn) trở thành địa điểm rèn luyện sức khỏe của thiếu nhi, thanh niên địa phương. Thời gian đầu, việc phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền gặp nhiều khó khăn, do phụ huynh chưa mạnh dạn cho con em tham gia, điều kiện sân bãi chưa ổn định… Tuy nhiên, với tình yêu nghề, anh Trường cố gắng duy trì việc truyền dạy, góp phần đưa phong trào phát triển.
"Trong quá trình giảng dạy, ngoài truyền đạt kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khỏe, học viên còn được truyền dạy tinh thần “võ đạo”. Qua đó, hình thành cho các em sự tự tin trong giao tiếp; rèn luyện tính kỷ luật và xây dựng lối sống đẹp, có tinh thần mạnh mẽ, lạc quan hơn… Trước khi hướng dẫn kỹ năng, bài quyền, tôi dạy các em về “võ đức”. Đây là phẩm chất cao quý của người học võ, là hành trang không thể thiếu” - anh Trường chia sẻ.
Tại xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), CLB võ thuật tổng hợp Phước Gia của võ sư Phạm Trần Bá Phước khá lâu đời. Theo học hơn 5 năm, Ngô Thị Phương Dung cho biết: "Em đam mê võ cổ truyền ở tinh thần thượng võ. Được tham gia luyện tập, thi đấu cùng các võ sinh khác, em cảm thấy rất vui. Ngoài ra, luyện tập võ thuật giúp em giảm bớt căng thẳng sau những giờ học tập".
Cùng với võ cổ truyền, Vovinam là “quốc võ” của Việt Nam, có nhiều môn sinh theo học. Theo học gần 5 năm, Trần Thanh Tuấn (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: "Lúc đầu em chỉ nghĩ, học võ để rèn luyện sức khỏe. Nhưng càng học, em càng thấy đam mê. Môn học cho em sức khỏe tốt, sức bền; tinh thần minh mẫn hơn. Em mạnh dạn và tự tin hơn trong các hoạt động xã hội; luôn vui vẻ, biết nhường nhịn, giúp đỡ người khác”.
Cùng với võ truyền thống, các môn nước ngoài cũng được bạn trẻ trong tỉnh đón nhận nhiệt tình. Đơn cử như: Karate, Teakwondo, Aikido… Bằng chứng là những môn phái này tập hợp số lượng lớn võ sinh, duy trì đều đặn lớp học qua từng năm. Chị Huỳnh Thị Bích Phượng (TP. Long Xuyên) cho biết, nhà có 2 con đều học võ Karate từ nhỏ. “Tôi nhận thấy các con chuyển biến rõ rệt về tinh thần, sức khỏe. Không chỉ hướng dẫn võ thuật, thầy cô còn dạy các cháu những điều hay, lẽ phải; về nhà phải vâng lời, giúp đỡ gia đình… nên tôi rất an tâm khi đưa cháu đến học võ” - chị Phượng chia sẻ.
Việc luyện tập võ thuật thường xuyên chủ yếu để tự vệ. Tập võ còn giúp rèn luyện thân thể, trí tuệ; giảm bớt căng thẳng; kết giao thêm nhiều bạn bè, học hỏi nhiều điều hay. Điều này giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp và trong cuộc sống… Để phát triển phong trào luyện tập võ thuật, các CLB đã tạo điều kiện cho võ sinh thi đấu cọ xát, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, thông qua kỳ thi lên đai, đẳng và các giải đấu, những người làm công tác chuyên môn sẽ có cơ sở tuyển chọn lực lượng vận động viên tham gia giải cấp tỉnh và quốc gia. Đây là tín hiệu vui đối với phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh.