Phát triển Quỹ Nhà ở Quốc gia: Cần tạo lập quỹ đất và đa dạng hóa nguồn vốn
Theo các chuyên gia, để phát triển Quỹ Nhà ở Quốc gia tại Việt Nam, cần tạo lập quỹ đất và nguồn vốn đủ lớn, đa dạng để xây dựng đồng loạt, đáp ứng nhu cầu của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Quỹ nhà ở quốc gia sẽ giúp nhiều người dân dễ an cư. Ảnh minh họa
Tránh tình trạn nơi thừa, nơi thiếu
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng theo đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 thì Hà Nội được giao làm 56.200 căn, TP.HCM được giao làm 69.700 căn. Mặc dù có nhu cầu về nhà ở cao hơn song số căn hộ nhà ở xã hội xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM lại khiêm tốn so với con số giao chỉ tiêu cùng kỳ của Bắc Giang với 74.900 căn, Hưng Yên 42.500 căn, Bắc Ninh 72.200 căn, Bình Dương 86.900 căn, Long An 71.200 căn...
Hiện các địa phương trên cả nước đang bố trí khoảng 1.300 vị trí đất, quy mô hơn 9.700ha đất xây dựng nhà ở xã hội. Điều đáng nói, nhu cầu về nhà ở tập trung ở hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, trong khi quỹ đất 2 địa phương này bố trí xây dựng nhà ở xã hội lại rất khiêm tốn.
Theo các chuyên gia, việc phát triển nhà ở xã hội nếu không được tính toán kỹ trong thời gian tới sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Các đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư, có nhu cầu lớn về nhà ở thì lại đón nhận ít căn nhà, trong khi các tỉnh còn lại nhu cầu nhà ở xã hội không thật sự lớn thì lại phát triển một lượng lớn nhà ở xã hội.
Việc nghiên cứu và triển khai mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia tại Việt Nam được cho là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình. Nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ được duy trì ổn định, từ đó tạo ra sự cân bằng cung - cầu cho thị trường bất động sản. Mô hình Quỹ Nhà ở Quốc gia không những có thể đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, giải quyết nhu cầu nhà ở và ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.

Quỹ nhà ở quốc gia sẽ giúp nhiều người dân dễ an cư. Ảnh minh họa
Cần tạo lập quỹ đất
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, Nhà nước cần có quy hoạch và quỹ đất rõ ràng cho phát triển quỹ nhà ở. Việc sử dụng hiệu quả quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân.
Các quốc gia như Trung Quốc hay Singapore đã sử dụng đất công để xây nhà nên việc dành quỹ đất xây nhà khá dễ dàng, trong khi chúng ta đang thiếu cơ chế sử dụng đất công để xây nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, bà Giang Huỳnh, chuyên gia của Savills TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, việc quy hoạch quỹ đất và hạ tầng đồng bộ, đi kèm với hệ thống quản trị minh bạch, giám sát chặt chẽ là điều cần thiết. Tiếp đó là sự phối hợp đồng bộ từ mọi nguồn lực. Có thể nói, các mô hình thành công trên thế giới đều có sự bảo lãnh mạnh mẽ của chính phủ, cơ chế tài chính ổn định, quản lý minh bạch, quy hoạch đất đai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân.
Hút vốn từ nhiều kênh
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, Quỹ nhà ở quốc gia nên hướng tới hỗ trợ người trẻ mua nhà với thời hạn vay đủ dài từ 15 - 20 năm, lãi suất ở mức hợp lý. Không nên "bẫy" người mua nhà như một số ngân hàng thương mại tung các gói vay mua nhà thời gian qua, chỉ áp lãi suất ưu đãi 4,5% - 5% trong năm đầu, sau đó thả nổi theo thị trường. Cần ổn định lãi vay theo chu kỳ 5 năm và có kế hoạch điều chỉnh lãi vay cho những chu kỳ tiếp theo để người mua nhà nắm được.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng, Quỹ cần tập trung hỗ trợ tài chính cho người dân có nhu cầu mua hoặc thuê nhà với mức giá phù hợp. Trên thực tế, nhiều người lao động có thu nhập trung bình thấp không đáp ứng đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để sở hữu nhà ở thương mại, đặc biệt tại các đô thị lớn. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore và Trung Quốc cho thấy, Quỹ Nhà ở Quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền có nhà ở cho người lao động. Do đó, cần có cơ chế đánh giá mức độ đóng góp và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng để đảm bảo tính công bằng và đúng mục tiêu.
Bên cạnh nguồn đóng góp từ người lao động, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, để Quỹ Nhà ở Quốc gia hoạt động bền vững, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản. Đổi lại, nhà nước có thể áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính… nhằm thu hút đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.