Phát triển rừng bằng những loại cây nông lâm kết hợp

Huyện Lâm Hà triển khai Đề án 02 'Phát triển rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp'. Qua đó, khuyến khích người dân trồng mắc ca, quế, dổi ăn hạt… mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân và hình thành mô hình nông lâm kết hợp...

Nhiều diện tích mắc ca của người dân đang lên xanh tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập đáng kể

Nhiều diện tích mắc ca của người dân đang lên xanh tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập đáng kể

Người dân đồng thuận

Lâm Hà có 36.523 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 38,86% tổng diện tích đất tự nhiên nhưng trong đó chỉ có gần 28.000 ha diện tích đất có rừng. Theo kết quả rà soát của huyện, tổng diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp là 10.562 ha. Hiện trạng diện tích đất bị lấn chiếm này chủ yếu được người dân trồng hoa màu, cà phê mới trồng và nhiều diện tích cà phê đang vào thời kỳ kinh doanh.

Sau 5 năm thực hiện Đề án 04 “Phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp”, trên địa bàn huyện đã trồng được 2.572 ha rừng tại 11 xã, thị trấn. Diện tích có tỷ lệ cây sống đạt trên 70% số cây trồng là 1.421,39 ha, đạt tỷ lệ 30,39% trên diện tích thiết kế được UBND huyện phê duyệt thực hiện và thấp hơn nhiều so với kế hoạch huyện đề ra là phủ xanh 5.000 ha.

Để tiếp tục công cuộc phủ xanh rừng, Huyện Lâm Hà tiếp tục “Phát triển rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp” bằng Đề án 02. Theo tinh thần của Đề án này, các ngành chức năng, đơn vị được giao trồng rừng rà soát, thỏa thuận và vận động người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ ổn định diện tích rừng hiện còn trên địa bàn huyện. Trồng xen cây lâm nghiệp trong đó chú trọng một số loại cây có kinh tế với mật độ thích hợp để nâng cao độ che phủ rừng.

Những diện tích này đang được thêm xanh bởi màu xanh của hàng nghìn ha mắc ca, quế, dổi ăn hạt được trồng xen, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Đặc biệt, từ khi mắc ca được công nhận là cây lâm nghiệp, nhiều người dân trên địa bàn đã có nguyện vọng trồng cây mắc ca thay vì trồng các loại cây như sao đen, muồng, cẩm lai… Ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ cho biết, từ khi được Nhà nước khuyến khích trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm, ông là một trong những hộ ở xã tiên phong trong việc lựa chọn cây mắc ca trồng trồng trên diện tích 2 ha vườn nhà, hiện với 150 cây đang phát triển, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hợp với chất đất và khí hậu, cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, ông và nhiều gia đình trồng mắc ca khác có khoản thu ổn định nhờ bán hạt tươi cho thương lái. Vì có thêm thu nhập từ cây mắc ca nên nông dân rất yên tâm sản xuất trên diện tích đất của mình.

Ông Trương Quang Trung - Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà, cho biết: Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài, rất khó để họ từ bỏ nguồn thu từ canh tác nông nghiệp đang sinh lời và vốn là “nồi cơm” của gia đình họ. Đề án 02 nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp trên diện tích rừng bị lấn chiếm, đồng thời địa phương lại vừa có thêm diện tích rừng. “Khi người dân triển khai thực hiện trồng rừng sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp, thứ 2 cây rừng sẽ giúp chắn gió, giữ nước, bên cạnh đó còn cho thu nhập cao khi giá cả cà phê của thị trường xuống thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu. Hồi mới có chủ trương trồng rừng, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này nên bà con trồng theo kiểu đối phó. Nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng, bà con ai nấy cũng phấn khởi, tự mua cây giống về trồng trên diện tích được quy hoạch trồng rừng”, ông Trung cho hay.

Mục tiêu 2.000 ha trong 5 năm

Lâm Hà đang tích cực khắc phục diện tích rừng bị phá, lấn chiếm bằng việc triển khai trồng rừng trả lại màu xanh cho rừng. Với chế tài gắt gao, đấy là khi kiểm tra, nếu tỷ lệ cây sống không bảo đảm sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đó giao cho các hộ khác quản lý, bảo vệ. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong việc khôi phục cây lâm nghiệp và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng phát sinh.

Theo số liệu thống kê hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có hơn 1.500 ha mắc ca, quế, dổi ăn hạt… và diện tích này không ngừng tăng lên.

Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết, hiện nay ngoài diện tích mắc ca đang cho thu hoạch, năm 2020 xã Phúc Thọ đã đưa vào thiết kế trồng rừng khoảng trên 80 ha. Từ đó giúp các hộ dân ổn định, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà, thực hiện theo kế hoạch Đề án 02, hằng năm đơn vị sẽ lên phương án, thiết kế diện tích khoảng hơn 400 ha (bao gồm thiết kế mới và diện tích thiết kế còn tồn lại của năm trước chưa triển khai). Hiện nay, mắc ca là lựa chọn hàng đầu của người dân, chiếm khoảng 2/3 diện tích trồng cây lâm nghiệp trên đất rừng bị lấn chiếm. Mục tiêu của huyện là trong giai đoạn 2020 - 2025 phấn đấu trồng đạt trên 2.000 ha.

Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng chính là gắn chặt mối dây liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân. Tiếp nối Đề án 04, Đề án 02 thật sự là đề án mang tính nhân đạo bởi khi thực hiện, Lâm Hà vừa có rừng và người dân vừa có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ rừng đối với người dân và mang nhiều ý nghĩa xã hội. Việc đưa cây mắc ca vào trồng trên diện tích đất lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả. Trong đó thấy rõ nhất là việc màu xanh mắc ca đã và đang từng bước làm tăng độ che phủ rừng.

Ông Bích hi vọng không bao lâu nữa rừng Lâm Hà sẽ được phủ xanh. Trong thời gian tới, huyện khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng quy trình sản xuất, chế biến sâu để hình thành các chuỗi sản phẩm lâm nghiệp, đặc biệt là sản phẩm mắc ca của Lâm Hà đã được cấp sao OCOP.

PHONG VÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/phat-trien-rung-bang-nhung-loai-cay-nong-lam-ket-hop-3013703/