Phát triển rừng gỗ lớn mang lại lợi ích 'kép'

Tuyên Quang là một trong ba tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ rừng che phủ, đạt 65%. Phát triển kinh tế từ rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp, bước đi cụ thể để tỉnh không ngừng nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp.

Nâng giá trị kinh tế rừng trồng

Ông Vũ Văn Hòe ở thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có 21 ha rừng, đã đem lại cho gia đình ông có của ăn của để. Hiện gia đình ông đã chuyển 10 ha rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Ông Hòe cho biết, trồng rừng gỗ lớn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn trồng rừng thông thường. Do nhiều năm làm nghề rừng, ông hiểu được giá trị của gỗ lớn, lại tích được số vốn khá nên ông tích cực tham gia hưởng ứng chương trình trồng rừng gỗ lớn.

Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình đã triển khai trồng rừng gỗ lớn, chuyển rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đến nay, công ty đã đã có trên 100 ha rừng gỗ lớn. Ông Nguyễn Ngọc Tháp, Giám đốc Công ty cho biết: Trồng rừng gỗ lớn được coi là giải pháp phát triển lâu dài của công ty, bởi rừng gỗ lớn sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn, chất lượng gỗ tốt hơn để tham gia xuất khẩu, đem đến cho đơn vị đầu ra bền vững.

6 ha rừng bồ đề 10 năm tuổi của Đội sản xuất 974 thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn được đơn vị thu mua trả trên 200 - 220 triệu đồng/ha tùy từng lô, khoảnh. Ông Phạm Văn Quân, Đội trưởng Đội sản xuất phấn khởi cho biết, trồng rừng gỗ lớn giá trị kinh tế tăng hơn gấp đôi so với rừng gỗ nhỏ ở chu kỳ 6 năm. Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn cho biết, giá trị từ trồng rừng gỗ lớn là tương đối, do đó công ty đang tập trung trồng, chuyển từ rừng gỗ nhỏ lên rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, công ty đã có gần 60 ha rừng gỗ lớn từ 8 - 10 năm tuổi. Tuy nhiên, trồng rừng gỗ lớn cần có vốn để trả công nhân chăm sóc, quản lý rừng. Đây cũng là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình kiểm tra rừng keo.

Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình kiểm tra rừng keo.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 69.000 ha rừng gỗ lớn, phân bổ trên địa bàn các huyện, thành phố. Diện tích rừng trồng gỗ lớn của tỉnh ở giai đoạn này chủ yếu được hình thành từ Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chủ yếu được trồng bằng các loài cây bản địa như lát hoa, trám, sấu, mỡ, quế... và một phần do nhân dân tự đầu tư trồng.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang dẫn chứng, cánh rừng 7 năm nếu khai thác cho sản lượng gỗ trung bình đạt 100 m3/ha, nhưng khi giữ lại làm rừng gỗ lớn từ 10 đến 12 năm thì khối lượng gỗ có thể tăng lên 120 - 150 m3/ha. Bởi từ năm thứ 7 đến năm thứ 12 cây rừng ở trong giai đoạn phát triển nhanh nhất trong chu kỳ sinh trưởng.

Theo tính toán của các công ty lâm nghiệp, nếu 100 m3 nguyên liệu là rừng 7 năm thì chỉ có khoảng 30% là gỗ lớn, 70% còn lại là gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, diện tích rừng gỗ lớn từ 10 đến 12 năm lại ngược lại, số gỗ lớn có thể chiếm đến 70%, còn lại là gỗ nguyên liệu. Với giá hiện nay, trung bình gỗ nguyên liệu là 1,2 triệu đồng/m3; gỗ lớn là 2,4 triệu đồng/m3 thì giá trị kinh tế rừng gỗ lớn tăng gấp đôi so với trồng rừng với chu kỳ 7 năm.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn, trồng rừng gỗ lớn còn có nhiều lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ đất, giữ nước, đặc biệt với cây keo là cây họ đậu, bộ rễ cố định đạm (quá trình biến đổi nitơ tự do) tạo thành chất mùn, đất đai sẽ được tái tạo tốt hơn.
Có thể thấy, lợi nhuận kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn đem lại, tuy nhiên việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình không hề đơn giản. Bởi rừng gỗ lớn chu kỳ hơn 10 năm trở lên, người dân, doanh nghiệp cần có vốn, có kiến thức khoa học để phòng bệnh và lo giá cả thị trường gỗ biến động...

Giải pháp phát triển

Phong trào trồng rừng gỗ lớn được người dân thôn Ninh Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) hưởng ứng. Ông Trịnh Ngọc Ba, một người dân trong thôn cho biết, phát triển kinh tế rừng nhiều năm, ông thấy chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế tăng lên gấp đôi. Giai đoạn từ 10 năm trở lên hầu như không phải chăm sóc. Về giống đã được tỉnh hỗ trợ cây giống chất lượng cao để trồng. Đây là chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực đối với người dân. Ông Ba tính riêng số cây giống tỉnh hỗ trợ gia đình ông trồng 9,6 ha rừng keo gỗ lớn năm 2022 lên đến gần 40 triệu đồng.

Cũng như ông Ba, ông Bùi Chí Dương ở Ninh Hòa đã chọn trồng 0,5 ha dổi ăn hạt. Ông bảo, trồng dổi giá trị kinh tế lớn, lại được tỉnh hỗ trợ cây giống. Vài năm cây cho quả, thu hoạch đã có tiền “lấy ngắn nuôi dài”. Rừng cây dổi thì càng lớn càng có giá trị.

Gia đình chị Lại Ngọc Hoa, thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phát triển rừng gỗ lớn.

Gia đình chị Lại Ngọc Hoa, thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) phát triển rừng gỗ lớn.

Tỉnh xác định phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi lâu dài, bền vững. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển thêm 20.000 ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000 ha. Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 16-7-2021 thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây). UBND tỉnh Tuyên Quang cũng phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, các nghị quyết, đề án của tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...

Cùng chính sách hỗ trợ cây giống, vốn thì tỉnh đã và đang tập trung hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37.000 ha rừng cấp chứng chỉ FSC, nâng giá trị kinh tế rừng trồng cho người dân. Chứng chỉ FSC là “giấy thông hành” để sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh xuất khẩu ra thế giới.

Hiện tỉnh đang triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng. Theo chương trình này, người có rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập mà chưa cần khai thác rừng.

Phát triển rừng gỗ lớn mang lại lợi ích “kép” nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo động lực để Tuyên Quang xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-rung-go-lon-mang-lai-loi-ich-kep-155302.html