Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng tầm giá trị các loại nông sản chủ lực hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương.

Chương trình OCOP ở thị xã Ngã Năm đã thu hút các chủ thể tham gia, phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng sản phẩm chất lượng. Hiện tại, Ngã Năm có 18 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao. Dự kiến cuối năm 2023, Ngã Năm sẽ có thêm 2 sản phẩm mới là mắm cá rô không xương và mật ong hoa tràm vào OCOP, đồng thời đề xuất nâng cấp lên hạng đối với 4 sản phẩm trà mãng cầu Cẩm Thiều. Tại Phường 1, thị xã Ngã Năm, gian hàng sản phẩm OCOP đã trưng bày nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng, trong đó thị xã Ngã Năm có trên 10 sản phẩm. Gian hàng là nơi để các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thị xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến du khách, thúc đẩy giao lưu, tìm kiếm đối tác, phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương.

Chương trình OCOP ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hút các chủ thể tham gia, phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh... Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Chương trình OCOP ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hút các chủ thể tham gia, phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh... Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Ở huyện Kế Sách, hiện có 10 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 - 4 sao. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, trong năm 2023 huyện phát triển thêm các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là sầu riêng xã Ba Trinh và xã Xuân Hòa. Để Chương trình OCOP phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 1/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND, ngày 30/11/2022 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025. Qua gần 5 năm triển khai, hiện Sóc Trăng có đến 235 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 184 sản phẩm OCOP còn hiệu lực đến từ 100 chủ thể. Tiêu biểu là sản phẩm Gạo ST24 vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao (cả nước có 42 sản phẩm 5 sao), cùng 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao.

Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai, tích cực hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc trang thiết bị, công nghệ sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công bố chứng nhận chất lượng, thiết kế in ấn bao bì, thực hiện liên kết sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng câu chuyện sản phẩm... Trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gồm 8 cửa hàng ở các huyện, thị xã, thành phố, giới thiệu, quảng bá khoảng 114 sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt việc ra mắt sàn thương mại điện tử của tỉnh (soctrangtrade.vn) đã hỗ trợ tích cực, đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên,Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc triển khai Chương trình OCOP được xem là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tiềm năng của địa phương, là nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sóc Trăng đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 6 - 7 sản phẩm OCOP 5 sao; nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… Trong thời gian tới, Chương trình OCOP sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu gắn với triển khai thực hiện đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và phát triển du lịch nông thôn.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-68996.html