Phát triển sản phẩm OCOP thực chất, bền vững

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm của 82 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP., khẳng định giá trị các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Đánh giá lại sản phẩm OCOP

Thực hiện Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và thực tiễn ở các địa phương, đầu năm 2023, tỉnh Sơn La đánh giá phân hạng công nhận lại 12 sản phẩm OCOP.

Quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa tỉnh Sơn La và thành phố Đà Nẵng.Ảnh: Nguyễn Yến

Quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa tỉnh Sơn La và thành phố Đà Nẵng.Ảnh: Nguyễn Yến

Theo đó, các sản phẩm được đánh giá và công nhận vào năm 2019 và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao, tập trung vào các nhóm thực phẩm chế biến, chè và sản phẩm đồ uống. Qua đánh giá, các sản phẩm đáp ứng tốt các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP.

Trong tổng số 12 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận lại, có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các chủ thể tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng việc liên kết giữa người sản xuất, HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc tổ chức phân hạng công nhận lại đối với các sản phẩm OCOP giúp đánh giá toàn diện các sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng các chủ thể phát triển sản phẩm.

Ông Vũ Hoài Văn, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu, đơn vị có sản phẩm được đánh giá lại, cho biết: Chứng nhận sản phẩm OCOP không chỉ là danh hiệu cho chất lượng sản phẩm mà còn là tấm vé thông hành đưa các sản phẩm của HTX có mặt tại những siêu thị lớn trong nước.

HTX có 3 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao. Sau hơn 3 năm được công nhận, các sản phẩm mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo của HTX đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ, giá trị các sản phẩm tăng khoảng 40% so với trước, tính riêng doanh thu năm 2022 HTX đạt trên 7 tỷ đồng. Tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh vừa qua, các sản phẩm của HTX được hội đồng thống nhất tiếp tục đạt chất lượng OCOP 3 sao và 4 sao.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã công bố hết hạn chứng nhận 7 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, do đã quá 36 tháng kể từ lần được công nhận và cấp chứng nhận đăng ký lần đầu tiên. Các sản phẩm này sẽ không được tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP, logo OCOP có gắn sao để in ấn trên bao bì, nhãn mác khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày 19/4/2023. Trường hợp nếu kiểm tra phát hiện vi phạm, bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Các chủ thể phải thực hiện lại các quy trình đánh giá, phân hạng từ đầu.

Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh Sơn La thu hồi giấy phép chứng nhận đối với các sản phẩm OCOP không đủ điều kiện, là việc làm cần thiết khi tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển dàn trải, tương tự nhau. Do vậy, các chủ thể cần quan tâm hơn nữa việc phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường, tránh để mất lợi thế của các sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Điểm mới phân cấp đánh giá, phân hạng sản phẩm

Tỉnh Sơn La tổ chức triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, tăng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP.

Một trong những điểm mới của Quyết định 148 là việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ ngay cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương trong việc chủ động lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện cho các chủ thể.

Cũng trong bộ tiêu chí mới, các hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dành cho các chủ thể đã sửa đổi theo hướng giảm nội dung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện. Điều này, giúp các địa phương, các chủ thể dễ thực hiện hơn, đồng thời tăng số lượng và chất lượng sản phẩm đủ điều kiện đạt chứng nhận OCOP.

Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Homestay A Chu ở bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ trở thành một địa điểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2022, điểm đón gần 10.000 lượt khách du lịch, trong đó 20% là khách quốc tế. Năm 2023, Homestay đã đăng ký để xây dựng sản phẩm OCOP.

Anh Tráng A Chu, Chủ Homestay A Chu, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn khi tham gia vào chương trình OCOP sẽ quảng bá được bản sắc văn hóa, khai thác được dịch vụ du lịch bản địa tới du khách, giúp đỡ nhiều người Mông có Homestay tại địa phương có thu nhập tốt hơn.

Tập huấn chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho cán bộ, các chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP.Ảnh: Nguyễn Yến

Tập huấn chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho cán bộ, các chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP.Ảnh: Nguyễn Yến

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh thông tin thêm:Năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu xây dựng từ 70-80 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 4 sao; mỗi huyện, thành phố ít nhất phải chứng nhận được 5 sản phẩm OCOP trở lên. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung: Tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Cách làm cụ thể, bài bản, tỉnh Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng. Từ đó, nỗ lực nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, cải thiện thu nhập cho người dân, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-thuc-chat-ben-vung-9CfChBrVg.html