Phát triển sản phẩm OCOP – yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) chính là bước phát triển mới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với mục đích phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Qua đó, các xã được định hướng xây dựng các mô hình sản xuất các sản phẩm hàng hóa, gắn với thị trường đầu ra bền vững nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Sản phẩm chè Bình Sơn (Triệu Sơn) đã được công nhận sản phẩm OCOP, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM tỉnh, đến trung tuần tháng 10–2020, toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 36 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh đã có văn bản đề xuất Trung ương công nhận 2 sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống của xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia, hiện đã được đoàn công tác liên ngành Trung ương về kiểm tra, chờ xét duyệt để công nhận. Những ngày gần đây, các đơn vị liên quan của tỉnh đang tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất có đơn đề nghị được công nhận sản phẩm OCOP. Qua kiểm tra, nhiều sản phẩm có tiềm năng, cơ bản đủ điều kiện, sẽ được xét duyệt vào đợt cuối năm nay. Theo dự kiến, đến hết năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 53 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Qua khảo sát thực tế, với những sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, khả năng mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất cao hơn hẳn trước khi được công nhận. Bởi lẽ, OCOP với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, lại có chính sách của tỉnh hỗ trợ trưng bày, quảng bá nên càng được nhiều người biết đến.

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Bình Sơn (Triệu Sơn), chia sẻ: “Từ khi được công nhận trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm chè búp sạch và mật ong đồi rừng của chúng tôi có thị trường đầu ra rộng mở hơn. Trước đây, những sản phẩm này đã có, nhưng chủ yếu chỉ bán trong vùng, nay không những khách hàng trong tỉnh mà nhiều tỉnh ngoài đã biết đến, tin dùng. Từ đầu năm đến nay, gần 10 tấn mật ong đã được bán ra. Hiện nay, HTX đang liên kết với 20 hộ trồng chè, gần 400 hộ nuôi ong trong xã để sản xuất 2 loại sản phẩm nói trên”. Khi thị trường rộng mở, người sản xuất có cơ hội mở rộng quy mô, gia tăng năng suất nên thu nhập cũng cao hơn. Từng hộ khá giả hơn, cả xã sẽ phát triển hơn, đó chính là điều kiện tốt để địa phương huy động nguồn lực XDNTM.

Phát triển sản phẩm OCOP cũng chính là cách để khơi dậy và phát triển những tiềm năng, lợi thế to lớn về các ngành nghề truyền thống của các vùng quê trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có tới 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều nghề hoặc làng nghề phát triển cầm chừng bởi thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu được định hướng, có sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành liên quan, chính những làng nghề này có thể trở thành những cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, hàng trăm danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, có thể phát triển thành sản phẩm OCOP.

Theo ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM tỉnh, Thanh Hóa là tỉnh có các sản phẩm đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 11 sản phẩm chủ lực; hơn 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực được người dân các địa phương trong tỉnh, khách hàng thập phương ưa chuộng, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm OCOP. Rõ ràng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Chương trình OCOP tuy mới đi vào thực tiễn chưa lâu, nhưng đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả XDNTM của tỉnh. Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, tạo khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm. Điều đó cũng chính là quá trình giúp các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu mà tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hiện nay.

Kết quả XDNTM tỉnh nhà là sự đóng góp của nhiều yếu tố, nhưng giai đoạn gần đây không thể không nhắc đến sự đóng góp từ chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện: Đông Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa đạt chuẩn NTM và TP Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ XDNTM cho các xã ven đô. Ở cấp xã, toàn tỉnh đã có 312 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại cấp thôn, đã có hơn 960 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 17 thôn, bản NTM kiểu mẫu.

Cũng theo ông Trần Đức Năng, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm 9 huyện đạt chuẩn NTM, 88% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Những năm tới đây, chương trình OCOP gắn với XDNTM là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bổ trợ cho lộ trình XDNTM.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop--yeu-to-quan-trong-trong-xay-dung-nong-thon-moi/125871.htm