Phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu bền vững - Bài 2

Từ những thế mạnh và hạn chế trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu của tỉnh, nắm bắt xu thế phát triển thảo dược của thế giới, Bắc Kạn đã xây dựng và đang tích cực thực hiện Kế hoạch phát triển tổng thể cây dược liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường...

Theo đó, mục tiêu cụ thể của tỉnh là phát triển hệ thống dược liệu theo chuỗi giá trị, bao gồm các hộ gia đình trồng dược liệu, 16 tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp chủ chốt, các nhà hỗ trợ chuỗi và các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm sản xuất, tiêu thụ hết các sản phẩm sản xuất được. Tập trung xây dựng hệ thống bảo tồn và sản xuất giống dược liệu tỉnh Bắc Kạn nhằm tạo cơ sở hạ tầng bảo tồn và phát triển dược liệu trong tỉnh; xây dựng vườn bảo tồn nguồn gen và lưu giữ cây đầu dòng các loài dược liệu chủ chốt được phát triển ở tỉnh Bắc Kạn; phát triển hệ thống cung ứng giống cây dược liệu, cung cấp đủ cho nhu cầu trồng trong tỉnh…

Phấn đấu đến năm 2025 cung ứng được 60% giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Tổ chức trồng 26 loài dược liệu tại 04 tiểu vùng của tỉnh Bắc Kạn với diện tích 545ha, trong đó 345ha cây dược liệu theo hình thức thâm canh và 200ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.500 tấn dược liệu khô…

Các sản phẩm được chiết xuất từ củ nghệ của HTX nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn).

Với khối lượng công việc lớn, Kế hoạch này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Cụ thể, thành lập Ban điều hành; xây dựng hệ thống phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị tại 4 tiểu vùng; xây dựng Trung tâm Bảo tồn và sản xuất giống cây thuốc Bắc Kạn; triển khai trồng trọt và thu hái dược liệu từ tự nhiên; xây dựng và triển khai đề tài, dự án KHCN; tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cộng đồng; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; hội thảo, hội nghị đầu bờ; các cơ quan truyền thông tổ chức tuyền truyền sâu, đậm kế hoạch thực hiện.

Theo đó, mỗi huyện cần có 2 - 3 tổ chức kinh tế là HTX hoặc doanh nghiệp cộng đồng bố trí tại các địa điểm thích hợp, có điều kiện quy hoạch đất đai và thuận lợi về giao thông, năng lượng, cung ứng đầu vào. Các tổ chức kinh tế cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn dược liệu đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng cho thị trường. Thực tế hiện nay, toàn tỉnh đã có 14 tổ chức kinh tế dưới các dạng HTX, công ty cổ phần, công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực dược liệu.

Trước mắt, triển khai trồng 26 loài cây thuốc tại các vùng của Đề án tại các huyện, theo lộ trình tăng từng bước. Trong đó có bổ sung thêm 17 cây thuốc ngoài danh mục đề xuất của tỉnh, gồm: Bách bộ, cà gai leo, củ dòm, dâu tằm, gấc, khôi nhung (tía), khúc khắc, kim ngân, mật mông hoa, mướp đắng rừng, nghệ, sả chanh, thạch đen, trà hoa vàng. Vì các yếu tố nhu cầu thị trường, tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đã và đang được trồng, phát triển tốt trong tỉnh, đặc biệt các loài nghệ, củ dòm, thạch đen, cà gai leo, quế, hồi có thể trở thành cây dược liệu chủ lực của tỉnh.

Việc triển khai trồng cây thuốc không diễn ra đồng loạt trên diện tích lớn mà được trồng theo lộ trình từ quy mô nhỏ đến lớn để thử nghiệm, quyết định phương án mở rộng quy mô sau khi đánh giá kết quả. Cụ thể như, năm 2021 trồng 178ha; năm 2022 trồng mới là 225ha; năm 2023-2025 tăng diện tích trồng cây thuốc lên 320ha.

Với tư cách pháp nhân của mình, các HTX, doanh nghiệp cộng đồng chịu trách nhiệm quản lý vùng trồng của mình theo hợp đồng với các hộ gia đình trong khu vực và công bố GACP-WHO (đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dược liệu) theo các quy định của Bộ Y tế và các tiêu chuẩn thích hợp (như organic) theo yêu cầu của thị trường. Nguồn vốn để hình thành các HTX/DN cộng đồng được đa dạng hóa, bao gồm vốn góp của các thành viên HTX và cổ đông DN cộng đồng.

Để giảm bớt khó khăn về vốn cho các HTX/DN cộng đồng và các hộ gia đình, các nguồn lực của Nhà nước sẽ được vận dụng tối đa, chủ yếu là nguồn vốn từ chương trình khuyến công, nông thôn mới, OCOP, KHCN, giáo dục và đào tạo nghề... Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân có khả năng về vốn đầu tư, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Cùng với đó, tập trung xây dựng 4 trục du lịch trải nghiệm văn hóa - thảo dược gắn với OCOP dọc các tuyến quốc lộ, khu du lịch nhằm khai thác thế mạnh về cảnh quan - văn hóa - thảo dược của tỉnh và được triển khai riêng, dưới dạng dự án đầu tư hoặc kết hợp đề tài, dự án KHCN.

Chủ động phát triển nhân lực trong vùng dự án, bao gồm nhân lực tại các cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp mới hình thành thông qua các hình thức đào tạo/huấn luyện tại chỗ và các khóa đạo tạo cấp chứng chỉ về tài nguyên cây thuốc, GACP, organic, QA, QC (QA là nhân viên đảm bảo chất lượng; QC là nhân viên kiểm soát chất lượng) nghiên cứu phát triển sản phẩm từ thảo dược, đánh giá nhanh thị trường (RMA)... Chủ yếu huy động nguồn lao động địa phương tham gia toàn chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, gồm các hộ gia đình trồng cây thuốc, các HTX/DN cộng đồng, các doanh nghiệp chủ chốt và Trung tâm Bảo tồn và sản xuất giống cây thuốc Bắc Kạn.

Với tiềm năng phong phú về dược liệu; nền tảng cơ bản ban đầu về sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu, cùng với Kế hoạch và quyết tâm cao phát triển dược liệu, một ngành hàng chủ lực đang được hình thành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Kạn./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/day-manh-tai-co-cau-toan-dien-nganh-nong-nghiep-bac-kan-phat-trien-san-xuat-che-bien-kinh-doanh-duoc-lieu-ben-vung-bai-2-3c4429b/